“Giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống Cơ Tu”
Thứ năm, 00:00, 29/08/2019
Đồng bào Cơ Tu sinh sống tập trung tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế và thành phố Đà Nẵng. Hiện nay, các trí thức, già làng, trưởng bản, các nghệ nhân dân gian người Cơ Tu có vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt là quá trình xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Chuyên mục “Dưới mái nhà Gươl” tuần này, bà con và các bạn cùng gặp gỡ nghệ nhân Hốih Cóih, người có uy tín ở thôn Gơ Le, xã Tà Bhing, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hoá của người Cơ Tu.

(Nội dung cuộc trao đổi: 5 phút 11 giây)

  PV: Xin chào ông ! Từ khi nào ông bắt đầu nghe và thích thú với các nhạc cụ cũng như biết nghề đan lát truyền thống của người Cơ Tu mình ?

Nghệ nhân Hốih Cóih: Từ năm 20 tuổi, tôi bắt đầu nghe và để ý đến các cụ già xưa họ hát hò, chơi các loại nhạc cụ cũng như hàng ngày rảnh rỗi họ lại ngồi đan lát vui vẻ. Từ đó, tôi bắt đầu thấy hay và tự về nhà mày mò làm theo. Tôi tự về kiếm sợi mây, tre đan thử gùi, giỏ xem có được như các cụ hay không? Và rồi cứ thế tôi ngồi mày mò một mình, làm không cho một ai xem và biết được. Thật sự là thích lắm.

PV: Hồi nhỏ, ai là người chỉ bảo cho ông chơi các loại nhạc cụ cũng như nghề đan lát truyền thống hay là tự ông thích thú, mày mò rồi tự tập, thưa ông?

Nghệ nhân Hốih Cóih: À không, cái này là do tôi tự nghe, xem và tìm hiểu rồi tự mày mò về làm thử chứ không có ai chỉ bày cả. Nói chung hồi xưa cũng không dễ gì ai đi truyền đạt, cầm tay chỉ việc cho mình, tự mình yêu thích và tự mày mò học hỏi thôi. Từ việc tập đan gùi, giỏ... rồi đến tập hát các bài hát Cơ Tu, nghe các cụ hát rồi tự nhẩm hát theo. Khi biết hát nhiều bài hát rồi thì tôi được bầu làm Bí thư Chi đoàn. Khi làm Bí thư Chi đoàn thì chính tôi là người truyền dạy lại cho lớp trẻ, cùng nhau quây quần bên bếp lửa hồng múa hát tập thể vui vẻ.

PV: Hiện giờ ông vẫn chế tác nhạc cụ cũng như đan lát thêm các sản phẩm truyền thống Cơ Tu chứ ạ ?

Nghệ nhân Hốih Cóih: Bây giờ có nhiều việc để làm như đan lát các vật dụng truyền thống Cơ Tu hay dùng trong nhà cũng như mỗi khi đi rẫy như gùi, giỏ... chỉ là sức khoẻ giờ không cho phép làm được nhiều. Tôi cũng có chế tác thêm các nhạc cụ như sáo, đàn a’bel, a’guốch vừa thoả mãn đam mê, vừa giữ gìn văn hoá truyền thống dân tộc. Tôi luôn cố gắng làm, vì nếu tôi không làm thì những giá trị văn hoá truyền thống của Cơ Tu có thể một ngày không xa sẽ mất đi. Giờ các cụ làm được mà còn sống thì cũng chỉ đếm vài ngón tay thôi.

PV: Là một già làng uy tín, đồng thời là một nghệ nhân về văn hoá của dân tộc Cơ Tu, đối với ông, việc vận động, tuyên truyền đối với lớp trẻ hiện nay thế nào? Họ có thật sự thích thú với những giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc mình ?

Nghệ nhân Hốih Cóih: Bây giờ lớp trẻ họ rất thích thú với các loại nhạc cụ cũng như việc chơi trống chiêng, múa tân tung da dá trong các dịp lễ hội, cưới hỏi... và họ thật sự đang dần tiếp nối lớp cha ông để bảo tồn và giữ gìn. Bên Ủy ban xã cũng thường xuyên nói với tôi là cố gắng chỉ dạy, truyền đạt lại những giá trị văn hoá truyền thống Cơ Tu cho lớp trẻ bây giờ, chứ đừng bỏ vì tôi cũng là già làng uy tín nên các bạn trẻ cũng luôn tìm đến và học hỏi.

PV: Ông có đi biểu diễn nhiều nơi không? Việc ông làm ngoài giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống chắc hẳn mang lại nguồn thu nhập cho ông chứ ạ ?

Nghệ nhân Hốih Cóih: À, tôi đi nhiều chứ. Những khi có các lễ hội lớn trong huyện, tỉnh và ngoài tỉnh tôi đều có tham gia. Như trước đây đi biểu diễn ở Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Hội An và mới nhất là đi Hà Nội biểu diễn dân ca dân vũ các câu lạc bộ... Còn trong thôn xóm hoặc ở các huyện như Đông Giang, Tây Giang có tiệc cưới hỏi thì tôi cũng làm mối hát lý, nói lý cho hai bên gia đình. Còn về việc kiếm thu nhập từ việc tôi làm thì nói thật bây giờ xã hội ngày càng phát triển, các giá trị văn hoá truyền thống ngày càng được bảo tồn phát triển rộng rãi hơn nên cũng được nhiều nơi biết đến, họ cảm thấy rất hứng thú với những món sản phẩm mà mình làm ra. Giờ không chỉ trong nước mà cả ngoài nước như Nhật Bản có lên chỗ tôi đặt hàng, thậm chí đặt cọc tiền bảo tôi làm gùi, giỏ đựng nước bằng mây, tre vì họ thấy lạ và thích. Nói chung giờ công việc đan lát có nhiều ý nghĩa, vừa giữ gìn truyền thống mà vừa có thể kiếm thêm thu nhập. Hơn 10 năm nay tôi sống nhờ vào nghề đan lát này, không nhiều nhưng cũng đủ nuôi sống gia đình.

PV: Thường trong các dịp nào có những hoạt động văn hoá truyền thống, thưa ông?

Nghệ nhân Hốih Cóih: Thường thì khi nào trong xã, huyện cũng như tỉnh có dịp lễ hội gì tổ chức thì hay đi biểu diễn trống chiêng, múa tân tung da dá, chơi các loại nhạc cụ... Khi nào họ cần thì mình đều có mặt. Trong thôn nếu có đám cưới đám hỏi thì có làm lễ đâm trâu, cũng múa hát, nói lý, hát lý. Đặc biệt dịp Tết thì đối với người Cơ Tu Tết thường hay đâm trâu thì cả làng đều quay quần bên nhau, cùng nhau vui chơi, hát múa vừa giữ được những giá trị văn hoá tốt đẹp, xây dựng thôn bản lành mạnh và vừa tuyên truyền, chỉ dạy cho lớp trẻ được tiếp nối, giữ gìn. Dù tuổi già sức yếu nhưng tôi vẫn cố gắng làm để bảo tồn, giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống không bị mai một đi./.

PV: Chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ cho những người làm công tác tuyên truyền, vận động, truyền dạy văn hóa Cơ Tu như ông không?

Nghệ nhân Hốih Cóih: Giờ tôi tuổi già sức yếu không làm được việc nặng, tôi thấy từ khi tôi làm công việc đan lát truyền thống, chế tác các nhạc cụ thì cuộc sống ổn hơn rất nhiều. Từ trong thôn đến huyện rồi tỉnh cũng luôn quan tâm, giúp đỡ cũng như chia sẻ những khó khăn với tôi. Tuy không đầy đủ nhưng cũng có, chứ trước đây là không có. Tất cả đều thấy những việc làm ý nghĩa của mình họ cũng luôn động viên, quan tâm và cũng có những hỗ trợ vào những dịp cần thiết. Tôi cũng cảm ơn rất nhiều.

PV: Để giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống Cơ Tu mình, ông muốn nhắn nhủ gì với lớp trẻ bây giờ?

Nghệ nhân Hốih Cóih: Tôi rất thích chỉ dạy và truyền đạt lại làm sao cho lớp trẻ bây giờ có thể tiếp nối, giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc mình. Làm sao đừng để những giá trị đó ngày càng mai một đi. Để sau này các con tiếp nối truyền thống cha ông để lại, đi biểu diễn, thi thố đây đó nhiều nơi... được khắp mọi miền biết đến những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình thì còn gì hạnh phúc và tự hào hơn.

PV: Vâng, cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hôm nay!

Chúc ông ngày càng có nhiều sức khoẻ để tiếp tục bảo tồn và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình./.

Tags:

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC