Từ nhỏ chị Lý Thị Ninh đã được bà và mẹ truyền dạy cách se lanh, dệt vải, nhuộm chàm, tạo hình hoa văn trên vải, thêu thổ cẩm. Năm 10 tuổi, chị Ninh đã thành thạo việc vẽ các loại hoa văn, họa tiết, cũng như nắm được ý nghĩa của chúng. Năm 16 tuổi chị Ninh có thể tự mình hoàn thành tất cả các công đoạn và làm ra các sản phẩm đặc sắc.
Trong câu chuyện giữa chị Ninh và phóng viên về nghề se lanh, dệt vải của phụ nữ Mông ở Mù Cang Chải, chị Ninh hào hứng cho biết, hàng năm, cứ vào tháng 8 là gặt xong, lúc này người phụ nữ Mông sẽ se lanh, dệt vải làm váy, áo chuẩn bị cho ngày Tết.
Việc này rất nhiều quy trình: trồng lanh, thu hoạch lanh đem về, bóc vỏ, phơi khô, giã đến mềm thì nối, cho vào khung quay, luộc bằng nước tro, mang đi giặt, giặt rồi lại luộc, thấy sợi trắng thì mới cho lên đá để lăn, lăn xong mềm rồi mới cho lên khung dệt, may áo, váy, tạp dề... Làm được một bộ quần áo cho mình và người thân, những người phụ nữ Mông mất rất nhiều thời gian, làm liên tục 3-4 tháng mới xong 1 sản phẩm. Nếu chia thời gian, tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm thì 1 năm mới được 1 bộ...
Cuộc sống người phụ nữ vùng cao thường nhật cứ quẩn quanh với hạt lúa, bắp ngô, chị Ninh luôn mong muốn có thể tìm một cách nào khác để tăng thêm thu nhập cho gia đình, và rồi cơ hội cũng đến.
Cuối năm 2009, với mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, biến di sản thành tài sản, tạo thêm sinh kế cho bà con nhân dân, Tổ Hợp tác thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái và huyện Mù Cang Chải chỉ đạo thành lập, dưới sự hỗ trợ của Công ty Craflink Hà Nội (Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ).
Là người thông thạo và có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc tạo hoa văn trên vải bằng sáp ong, chị Ninh được bầu làm Tổ trưởng Tổ hợp tác, khi mới 19 tuổi.
Để duy trì công việc và thu nhập thường xuyên cho chị em trong tổ, ngoài sự hỗ trợ của Công ty Craft Link, chị Ninh đã lăn lộn các nơi từ chợ Sa Pa, Hà Giang, Yên Bái để bày bán, giới thiệu sản phẩm của mình, đồng thời quan sát, tìm hiểu và nghiên cứu nhu cầu của thị trường để làm ra những sản phẩm phù hợp với thẩm mỹ, thị hiếu của người tiêu dùng.
23 thành viên chính thức của Tổ cứ có đơn hàng là tranh thủ làm, còn các thành viên khác làm trong lúc rảnh rỗi. Chị Ninh là người tiếp thị sản phẩm như đồ treo tường, khăn trải bàn, túi, gối tựa.... mỗi tháng được hơn trăm triệu. Chị Ninh vui vẻ: "Trước chị em gặp khó khăn vì không biết làm gì kiếm tiền thêm, giờ làm thổ cẩm thì chị em đỡ khó khăn hơn..."
Năm 2020, Tổ hợp tác do chị Ninh làm tổ trưởng là một trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng chung kết và trao giải tại Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp năm 2020 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối thành công". Với số tiền thưởng 200 triệu đồng, chị Ninh đã mua 1 máy ép li váy, 5 máy may công nghiệp, 3 máy khâu thủ công cho trụ sở riêng của Tổ tại bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha.
Mục tiêu thành lập Tổ hợp tác là khôi phục lại nghề thủ công của đồng bào Mông ở Chế Cu Nha, trồng lanh nhiều hơn để làm ra nhiều sản phẩm phục vụ người dân địa phương và khách nước ngoài. Tổ hợp tác cũng đang xây dựng các sản phẩm OCOP...
Hiện sản phẩm của Tổ hợp tác do chị Ninh làm tổ trưởng được khách hàng nhiều nơi đón nhận. Sản phẩm của Tổ hợp tác đã có mặt tại thị trường Lào Cai, Hà Giang. Nhiều du khách quốc tế như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… cũng thường xuyên đặt mua hàng của Tổ hợp tác để đem về nước làm quà kỷ niệm. Trung bình mỗi năm, Tổ hợp tác có từ 16 - 18 đơn hàng thu về từ 400 đến 550 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, mỗi tháng, chị em thành viên có thêm một khoản thu nhập đáng kể, trang trải cho cuộc sống gia đình.
Chị Lù Thị Mú, thành viên Tổ hợp tác chia sẻ, trước đây các chị em chủ yếu bán hàng truyền thống bằng cách bày hàng ra, khách đến xem thích thì mua, chị em chưa biết cách quảng bá. Gần đây, chị em tận dụng mạng xã hội để bán hàng, đạt hiệu quả cao hơn so với bán hàng truyền thống. Có nhiều khách xem livestream ở tận Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, ở nước ngoài đã đặt hàng...
Năm 2023, chị Lý Thị Ninh được UBND tỉnh Yên Bái trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ở loại hình tri thức dân gian. Giờ đây, ngoài truyền dạy cho chị em trong và ngoài bản về nghề dệt thổ cẩm, chị Ninh còn đi dạy ở nhiều địa phương khác, đặc biệt là dạy học sinh các nhà trường, những người sẽ tiếp nối việc dệt sắc hoa, màu núi trên vải thổ cẩm./.
Viết bình luận