THỔ CẨM Ê ĐÊ KHƠI NGUỒN TRUYỀN THỐNG
Thứ năm, 10:38, 05/05/2022 Thu Ha bt- 4 ảnh Thu Ha bt- 4 ảnh
VOV4.VN - Theo truyền thống người Ê Đê, từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được bà và mẹ dạy cách dệt thổ cẩm để khi lớn lên, những tấm chăn, địu hay váy áo thổ cẩm do cô gái làm ra không chỉ ủ ấm người thân, mà còn là những lễ vật tặng gia đình nhà trai khi đi “bắt” chồng. Thổ cẩm vì thế có thể xem là thước đo độ khéo léo đảm đang đối với người phụ nữ Ê Đê.

 

Bài 1:  Thổ cẩm - thước đo khéo léo dịu dàng

Cặm cụi bên khung cửi, chăm chút nhặt từng sợi họa tiết cho tấm váy thổ cẩm, nghệ nhân H’Blong Knul ở buôn Ja, xã Ea Trul, huyện Krông Bông, tâm sự, theo truyền thống người Ê Đê, từ khi còn nhỏ, các bé gái đã được bà, được mẹ dạy cách dệt. Những tấm chăn, địu, khố, hay váy áo thổ cẩm không chỉ để sử dụng trong gia đình, mà còn là những lễ vật hồi môn thể hiện sự khéo léo của cô gái Ê Đê khi đến tuổi “bắt” chồng, hoặc dùng làm quà tặng trong các dịp đặc biệt, thậm chí là của cải tiễn người về thế giới atâu.

Thổ cẩm hiện diện trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng

Nghệ nhân H’Blong Knul biết dệt từ lúc 15 tuổi, cho tới bây giờ khi đã có con cháu thì đã rất thành thạo. Từ các lớp bà truyền dạy, nhiều người đã biết dệt và đoạt giải cao khi đi thi cũng như tiếp tục khôi phục nghề dệt thổ cẩm này.

Cùng mẹ dệt để kịp trả đơn hàng cho khách, chị H’Giang Knul cho biết, cả 3 chị em trong nhà đều đã dệt thành thạo nhiều loại trang phục của người Ê Đê. Lúc đầu học cũng khó, nhưng dần dần thành thạo, như biết giăng sợi, biết dệt, biết khâu gấu áo theo hoa văn truyền thống Ê Đê.

Thổ cẩm thước đo khéo léo đảm đang của cô gái ÊĐê

Cũng như các dân tộc ở Tây Nguyên, người Ê Đê xưa dùng sợi bông làm nguyên liệu dệt thổ cẩm. Điều làm nên nét riêng biệt, dễ dàng nhận diện trang phục thổ cẩm Ê Đê là những họa tiết hoa văn với các màu chủ đạo là đen, đỏ, vàng, xanh lam và trắng. Bông sau khi thu hoạch về được đánh tơi, kéo sợi rồi nhuộm màu bằng bùn, lá, củ, rễ hoặc vỏ cây rừng. Khi đã có những sợi chỉ màu như ý, người ta sẽ lên khung, nhặt sợi và dệt, tạo hình hoa văn.

Hơn 60 năm gắn bó với khung dệt, bà H’Nun Byă, ở buôn Cư Êbông, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, họa tiết hoa văn hay dùng các màu trắng, đen và đỏ là phổ biến nhất. Có nhiều kiểu hoa văn, loại 15, 17 sợi chỉ, 27 sợi chỉ, thậm chí 35 sợi chỉ. Khó nhất là làm kngăm, loại hoa văn làm nổi hình ảnh muốn trang trí.

Họa tiết thổ cẩm thường mô tả cách điệu những thứ gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Đó là các con vật như chim, rùa, thằn lằn; các loại hoa lá, cây cối như dương xỉ, rau dớn, quả trám; hay những đồ vật như cối giã gạo, nhà sàn...

Tùy mỗi loại trang phục, người Ê Đê sẽ có cách trang trí và sắp xếp hoa văn khác nhau. Nam giới thường đóng khố, cởi trần hoặc mặc áo dài tay cổ tròn chui đầu. Áo nam đặc trưng bởi dải vải đỏ trước ngực được xếp như hình cánh chim đại bàng. Các đường hoa văn dệt dọc 2 bên thân áo, gấu áo, dùng họa tiết hình rồng hoặc chim đại bàng, biểu tượng của sự mạnh mẽ và khát vọng chinh phục thiên nhiên.

Nữ giới thì mặc váy cùng áo chui đầu cổ ngang. Váy của phụ nữ Ê Đê là tấm thổ cẩm nguyên mảnh lớn, khi mặc sẽ quấn vòng quanh eo, phủ dài đến mắt cá chân. Trang phục hàng ngày được dệt đơn giản, tiết chế hoa văn. Riêng trang phục dành cho các dịp lễ, hội thì được trang trí công phu, màu sắc sặc sỡ với nền đen và hoa văn chạy thành dải ngang thân váy, gấu áo, cổ áo và viền tay.

Hoa văn trên trang phục còn thể hiện sự giàu có và quyền uy của chủ nhân. Người Ê Đê có kỹ thuật kteh, được xem là đỉnh cao của nghệ thuật trang trí thổ cẩm. Đây là kỹ thuật sử dụng hoa văn với 2 màu đỏ - trắng chạy họa tiết đăng đối nhau kết hợp chuỗi hạt cườm hoặc hạt bo bo xếp sát phần biên trên viền gấu áo hoặc chân khố, chân váy.

Theo nghệ nhân H’Yar Kbuôr, ở buôn Kla, xã Drai Sap, huyện Krông Ana: Kỹ thuật kteh thì người Ê Đê ngày xưa thường dùng cho các bộ lễ phục, tức là trang phục mặc trong các dịp lễ hội, lễ cúng và trang phục của người quyền quý. Kteh là kỹ thuật khó, không phải ai cũng làm được và ngày nay cũng không nhiều người học được.

Hoa văn kteh trên trang phục thổ cẩm ÊĐê

Từ những hoa văn đặc trưng, mỗi phụ nữ Ê Đê lại có sự sáng tạo, biến tấu những họa tiết mới, thêm sợi, phối màu để tạo được tấm thổ cẩm độc đáo hơn. Mỗi tấm thổ cẩm chứa cả tâm tình của người phụ nữ. Dù chỉ dệt lúc nông nhàn, nhưng để làm ra một sản phẩm thổ cẩm truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và mất rất nhiều thời gian, công sức. Vì vậy thổ cẩm có thể xem là thước đo sự khéo tay và chịu khó của cô gái Ê Đê.   

Bà H’Yam Bkrông, ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột cho biết, dệt được một tấm thổ cẩm là phải mất gần 1 năm mới làm được, nhiều công đoạn lắm: bật bông này, rồi kéo sợi, rồi nhuộm sợi, móc vào khung như thế kia rồi mới bắt đầu ngồi dệt. Dệt xong thành tấm rồi lấy kim khâu khâu từng mũi thành trang phục nên rất lâu./.

 

VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt- 4 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC