Suốt hơn một tháng qua, vào mỗi buổi sáng, nhà văn hóa cộng đồng buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk lại sôi động âm thanh cồng chiêng cùng tiếng cười, tiếng nói. Gần 30 thiếu niên thích thú khi được nghệ nhân truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, từ kiến thức cơ bản đến những kĩ năng đánh chiêng đồng, chiêng tre hay tập trình diễn một bài chiêng hoàn chỉnh. Em Y Thiên Niê chia sẻ: “Lúc đầu học còn hơi bỡ ngỡ, chưa biết đánh, được thầy chỉ bảo rất nhiều, sửa lỗi cho chúng em nên giờ chúng em thấy đánh chiêng tốt hơn nhiều. Lớp chúng em rất vui khi được thầy chỉ như vậy”.
Theo ông Y Wih ÊBan, Bí thư Chi bộ buôn Kmrơng Prŏng B, lớp truyền dạy cồng chiêng là tâm huyết của nhiều người. Sau nhiều lần đến từng gia đình để vận động cha mẹ cho con đi học đánh chiêng, mùa hè năm nay lớp đã thu hút rất đông thanh thiếu niên tham gia.
“Mở lớp này cán bộ của buôn cũng rất vui mừng, thấy các cháu nhiệt tình, phấn khởi, nhiều cháu không trong danh sách học nhưng đã tự giác đến học. Bây giờ thấy là thành công rồi. Nên cố gắng truyền lửa tiếp nữa, không chỉ riêng lớp này mà sang năm có đà như vậy thì mình phối hợp làm luôn cho tốt”. - Ông Y Wih ÊBan cho biết.
Mùa hè này, cùng với lớp truyền dạy đánh chiêng ở buôn Kmrơng Prŏng B, xã Ea Tu, còn có một lớp tương tự tổ chức tại buôn Kŏ Siêr, phường Tân Lập, thành phố Buôn Ma Thuột. Đây là các lớp do Trung tâm truyền thông, văn hóa và thể thao thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức theo kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số thành phố Buôn Ma Thuột giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030.
Cùng với truyền dạy đánh chiêng, đơn vị còn mở 2 lớp múa xoang cơ bản và nâng cao dành cho học viên nữ ở 6 buôn thuộc thành phố Buôn Ma Thuột. Các lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang mở đều đặn từ năm 2019 đến nay, đã thu hút hàng trăm thanh thiếu niên tham gia, qua đó tiếp tục khơi dậy và “giữ lửa” để thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số thêm yêu văn hóa truyền thống.
Bà Phạm Thị Hải Bình, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Khi đi vận động các em năm nay học thì không vất vả như những năm trước nữa, số lượng năm nay đăng ký khá đông. Chúng tôi căn cứ theo tiêu chí ở các phường, xã chưa mở được lớp chiêng và lớp xoang hoặc các lớp đã học cơ bản mà muốn nâng cao để mở ra các lớp nhằm tạo được sự đam mê cũng như niềm hứng khởi trong quá trình học tập”.
Gắn bó với việc truyền dạy đánh cồng chiêng suốt nhiều năm qua, nghệ nhân ưu tú Y Hiu Niê Kđăm (ở buôn M’Duk, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột) tâm sự, điều mà ông tâm huyết nhất là làm sao truyền đạt một cách dễ hiểu, dễ nhớ cho thanh thiếu niên. Để dù có đi đâu thì các cháu vẫn hiểu về cồng chiêng và vẫn tham gia đội chiêng một cách tốt nhất.
“Truyền đạt lại những cái gì mình biết về những cái cơ bản của cồng chiêng, kể cả những gì tinh túy của nó, kể cả lớp nam lớp nữ vào mỗi dịp hè như vậy tôi thấy rất có ý nghĩa, thực hiện được các đề án bảo tồn văn hóa đặc sắc của đồng bào Ê Đê. Bà con buôn làng ở đó thấy được tầm quan trọng, tự hào đối với bản sắc của dân tộc mình, phục hồi phục dựng lại những nghi thức nghi lễ, họ nhớ lại cội nguồn, những giá trị truyền thống đặc sắc mà cha ông để lại” - Nghệ nhân ưu tú Y Hiu Niê Kđăm chia sẻ.
Với các thanh thiếu niên tham gia học đánh chiêng, mỗi buổi lên lớp là những giờ học thú vị bởi các em được tìm hiểu về di sản văn hóa của ông cha, trực tiếp cảm nhận và diễn tấu loại nhạc cụ đặc sắc của dân tộc mình. Những bài học ấy không chỉ giúp các em có thêm trải nghiệm bổ ích trong ngày hè mà còn góp phần nhắc nhớ về những giá trị truyền thống tốt đẹp để các em tiếp tục giữ gìn và phát huy./.
Viết bình luận