

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn- Tổng Cục Chính trị, nhấn mạnh: Trải qua 80 năm đồng hành cùng đất nước, cùng với dòng chảy của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam; văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn là mạch nguồn cảm hứng vô cùng to lớn đối với các văn nghệ sĩ. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong thời kỳ mới, văn học, nghệ thuật về đề tài này luôn khơi dậy niềm tự hào dân tộc, khích lệ ý chí chiến đấu, sự vươn lên và tinh thần đại đoàn kết của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta. Qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật, đã góp phần định hướng tư tưởng, hướng mọi người đến giá trị chân- thiện- mỹ; bồi đắp và xây dựng nên phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong 50 năm qua, Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đề nghị các đại biểu “đề xuất giải pháp mang tính chiến lược và đột phá trong thời gian tới để góp phần khuyến khích, phát triển văn học, nghệ thuật trong Quân đội, trọng tâm là đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới…”.
Hơn 60 tham luận của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, các văn nghệ sĩ, nhà lý luận phê bình tên tuổi thể hiện sự dày công nghiên cứu, trách nhiệm lớn lao trước lịch sử, trước hiện tại và tương lai. Phân tích, luận giải sâu sắc những thành tựu nổi bật, đóng góp quý giá của văn học, nghệ thuật trong việc tôn vinh, lan tỏa phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ. Qua đó, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc.
Mỗi tham luận là một công trình nghiên cứu độc lập, công phu, tâm huyết của từng tác giả, được tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, có những nhận định, đánh giá tương đồng và cả những sự khác nhau. Chứng tỏ, đề tài về lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng luôn có sức hút lớn đối với người đọc - người viết, là nỗi trăn trở suy tư với bao tâm huyết.
Nói về thành tựu của văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong 50 năm qua, không thể không nhắc đến nhiều tác phẩm xuất sắc đã được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, các giải thưởng của Bộ Quốc phòng, Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật Việt Nam, các hội chuyên ngành, giải thưởng quốc tế… Điều quan trọng nhất là mảng văn học, nghệ thuật này đã đứng vững trong lòng các thế hệ, được công chúng đón nhận, vì thế mà sức sống vẫn bền lâu.

Đại tá, nhà văn Chu Lai nhấn mạnh: Đề tài chiến tranh là “siêu đề tài” và nhân vật người lính là “siêu nhân vật”. Đề tài này không chỉ bó hẹp trong phạm vi người lính và chiến tranh, nó động chạm và tác động sâu sắc đến các đề tài khác.
Trên tinh thần thẳng thắn, cầu thị, các đại biểu chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý báu, tạo nền tảng vững chắc để mảng đề tài văn học nghệ thuật quân đội tiếp tục phát triển đúng định hướng, hiệu quả hơn thời gian tới. Trong đó, đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược và đột phá.
Các tham luận đặt vấn đề dòng văn học nghệ thuật này cần đổi mới và cần tìm hướng đi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa. Trước mắt là gợi mở những chủ trương, giải pháp đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Cụ thể hóa, thực hiện thắng lợi các nghị quyết quan trọng của Đảng và Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Kết luận số 84 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị (khóa X) "về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". Đây là vấn đề cốt lõi, là mục đích quan trọng nhất của hội thảo.
Nhiều tham luận nêu bật vấn đề cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bằng các cơ chế, chính sách và cả nguồn lực, bởi đề tài này vẫn là “vỉa quặng lớn” chưa bao giờ cạn kiệt. Có tham luận nêu vấn đề, để có được nhiều tác phẩm và tác phẩm tốt thì Nhà nước phải đặt hàng (bài viết của PGS, TS Phạm Thành Hưng); phải tiếp tục tổ chức tốt các trại sáng tác, hỗ trợ, đầu tư, khích lệ các văn nghệ sĩ sáng tác (Nhà văn Nguyễn Minh Ngọc). Các cơ quan, đơn vị làm công tác quản lý văn học, nghệ thuật cần phải tiếp tục tham mưu, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả các hoạt động trọng điểm của Bộ Quốc phòng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, báo chí về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, tham mưu định hướng, xây dựng chính sách hỗ trợ, đầu tư cả bề rộng và chiều sâu; khen thưởng, tôn vinh các tác phẩm tiêu biểu với đội ngũ sáng tác, thể hiện, biểu diễn, quảng bá tác phẩm…

Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương nêu vấn đề cần phải quan tâm tạo điều kiện để văn nghệ sĩ trong và ngoài Quân đội được thâm nhập thực tế “ba cùng” với bộ đội ở mọi nơi, mọi lúc, hiểu sâu, biết rõ và đồng cảm với hơi thở cuộc sống người lính, nhất là những nơi khó khăn, gian khổ, biên giới, hải đảo…Ông cũng rất tâm đắc với nhận định của nhà văn Nguyễn Minh Ngọc: "Đề tài ở ngay trái tim của người viết".
Nhiều ý kiến cho rằng, bản thân văn nghệ sĩ phải chủ động tìm tòi, khai thác tư liệu chiến tranh thông qua các chuyến đi thực tế về các chiến trường xưa, tìm tòi nghiên cứu các tài liệu, hiện vật lịch sử, các nhân chứng lịch sử cả hai phía, để có góc nhìn chân thực, khách quan hơn về chiến tranh.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đó là việc quảng bá, truyền thông các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, bằng nhiều hình thức, cách thức, thông qua các sản phẩm truyền thông và cả các nền tảng số, đa dạng hóa phương thức phát hành, để không chỉ bó hẹp trong nước, mà tiếp cận sâu rộng hơn trên thị trường văn học, nghệ thuật thế giới.
Phát biểu kết luận hội thảo, Đại tá, nhà văn Phạm Văn Trường, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân nhấn mạnh: Hội thảo khoa học có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng, của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, văn học, nghệ thuật trong Quân đội nói chung, về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng nói riêng đã có những thành tựu to lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Không chỉ có ý nghĩa trong nước mà còn giúp bạn bè quốc tế hiểu hơn về cuộc chiến tranh cách mạng thống nhất đất nước và hình ảnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, hội thảo làm rõ những giá trị và ý nghĩa của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trong văn học, nghệ thuật; những đóng góp to lớn của văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong việc giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; cổ vũ động viên và phát huy tài năng, tâm huyết của các văn nghệ sĩ trong sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật.
Hội thảo tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí và sức sống mãnh liệt của văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng trong nền văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay. Đồng thời, tin tưởng rằng, thời gian tới, sẽ có những thành tựu mới, tác phẩm xứng tầm với những chiến công vĩ đại của dân tộc anh hùng, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Viết bình luận