VOV4.VOV.VN - Người Nùng Dín ở Mường Khương, Lào Cai có phong tục múa ngựa giấy trong tang ma. Đây là hình thức tiễn đưa người quá cố về với thế giới của tổ tiên.
Các nghệ nhân Nùng Dín ở xã Nấm Lư, huyện Mường Khương, Lào Cai trình diễn trích đoạn múa ngựa giấy tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam
Bà con Nùng Dín ở Mường Khương quan niệm: chết không phải là hết. Đó là sự khởi đầu một cuộc sống mới ở bên kia thế giới. Bởi vậy, khi trong nhà có người mất, gia chủ, họ hàng sẽ tập trung lo liệu hậu sự.
Họ sẽ chuẩn bị mọi thứ với tâm niệm chuẩn bị một cuộc sống mới thật đủ đầy cho người quá cố. Và ngựa giấy chính là con vật sẽ chuyên chở đồ lễ, hàng hóa của người chết về âm thế. Cho nên, họ sẽ múa ngựa giấy trong đám ma.
Thông thường, bên thông gia, hoặc con cháu trong dòng họ sẽ thực hiện múa ngựa giấy.
Người ta sẽ làm một mô hình đầu ngựa bằng tre, có dán giấy màu xanh, đỏ, trắng, tím… mô phỏng hình hài của một con ngựa.
Thân ngựa là một khuôn tre hình tròn cũng dán giấy màu, sao cho đủ rộng để người lớn có thể đứng vào trong đó thực hiện bài múa của mình.
Ở cổ ngựa, người ta có gắn một vòng chuông nhỏ. Chuông sẽ rung lên tiếng nhạc vui tai khiến điệu múa thêm có hồn.
Theo anh Phùng Quang Mười, Trung tâm văn hóa và điện ảnh tỉnh Lào Cai, mỗi bài múa ngựa giấy hoàn chỉnh thường có một đôi ngựa giấy do hai người thực hiện. Đó là hai con ngựa tượng trưng con đực, con cái và người múa sẽ tiến hành 18 trạng thái chuyển đổi các động tác, biểu cảm gương mặt để thể hiện cảm xúc: cúi chào, ngựa cắn nhau, tỏ tình với nhau…
Bằng các động tác hình thể như tay, chân, nhún nhẩy, nghiêng người, những điệu múa trở nên sinh động hơn khi có tiếng chuông vang lên theo từng động tác, vừa làm vui lòng người chết, vừa là sự chia sẻ với gia chủ có tang.
Từng đôi một múa riêng với nhau, mô phỏng một cặp ngựa đực, cái. Hoạt cảnh múa thêm sống động khi xuất hiện một người phụ nữ Nùng Dín trong trang phục truyền thống, cầm bó cỏ với động tác nhử con ngựa và cho con ngựa ăn.
Múa ngựa giấy trước đây chỉ thực hiện trong không gian tín ngưỡng. Nay những điệu múa ấy đã được trình diễn ở nhiều không gian như sinh hoạt cộng đồng.
Hiện nay tại một số địa phương của Mường Khương, những nghệ nhân hiểu biết về múa ngựa giấy đang cố gắng sưu tầm, lưu trữ, trao truyền cho lớp trẻ, góp phần bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Nùng Dín.
Viết bình luận