Bác sỹ vùng cao hết lòng với người bệnh ung thư
Thứ tư, 16:48, 01/03/2023 An Kiên/VOV Tây Bắc An Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Là một người thầy thuốc vùng cao, bác sĩ Tô Minh Hùng – Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai luôn day dứt, trăn trở, nỗ lực, trách nhiệm với những bệnh nhân ung thư.

Đi vào hoạt động từ tháng 3/2021, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai luôn trong trạng thái vượt công suất, với khoảng 80 bệnh nhân ung thư nằm điều trị nội trú mỗi ngày. Gánh nặng đè trực tiếp lên vai người đứng đầu là bác sĩ Tô Minh Hùng và các đồng sự.

Bác sĩ Hùng cho biết, trong thời gian qua, chúng tôi đã đào tạo và tự đào tạo nên cũng tiếp cận được cơ bản. Tuy nhiên, kiến thức về ung thư rất rộng, chúng tôi đã đưa ra được một giải pháp hay, đó là thường xuyên hội chẩn tất cả các bác sĩ. Vì ung thư là điều trị đa mô thức, khi phân rõ việc làm cho từng bác sĩ, đoàn kết, thống nhất các bộ phận thì mọi việc đều khá ổn.

Từ một phân khoa nhỏ, dịch vụ sơ sài, đến nay, Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân Lào Cai đã có đủ các bộ phận chuyên sâu gồm ngoại, xạ, nội và chăm sóc giảm nhẹ, mỗi năm đáp ứng thêm 3 – 5 mặt bệnh, mới đây bắt đầu tiếp cận với điều trị đích để dần thay thế liệu pháp hóa trị truyền thống.

Đối với những ca bệnh khó, bác sỹ Tô Minh Hùng đều tranh thủ mối quan hệ, tổ chức hội chẩn với đội ngũ bác sỹ ở các bệnh viện tuyến trung ương như Việt Đức, Bạch Mai, bệnh viện E, 108…, sau đó mời các chuyên gia giỏi lên Lào Cai cùng xử lý để có cơ hội “cầm tay chỉ việc”.

Sự kết hợp này mang lại giá trị vô cùng to lớn, các bác sĩ ở Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân Lào Cai được cọ xát, được đào tạo về nhân lực. Từ chỗ chưa triển khai được mổ nội soi cắt đại tràng thì hiện nay Trung tâm đã làm chủ được kỹ thuật này, bác sỹ Tô Minh Hùng  là người thực hiện, sau đó triển khai dần cho các anh em. Cả phẫu thuật cắt gan, cắt các khối u tuyến thượng thận lớn ổ bụng cũng đã triển khai được 2 – 3 ca ngay tại trung tâm.

Trong vòng 2 năm qua, đã có hơn 8.000 người bệnh ung thư ở Lào Cai và các vùng phụ cận tìm được địa chỉ thăm khám, điều trị tại chỗ, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và tiền của.

Tuy nhiên, phía sau những thành công bước đầu ấy, ít ai biết vị bác sĩ chuyên khoa Ngoại - Tô Minh Hùng không ít lần rơi vào khủng hoảng tinh thần trước những thách thức chuyên môn khi lớp cấu trúc giải phẫu liên quan đến chứng bệnh ung thư luôn biến đổi phức tạp.

Bác sỹ Tô Minh Hùng tâm sự: Các ca mổ không phải lúc nào cũng thuận lợi, nhiều ca stress lắm, thời gian có thể kéo dài tới 3 – 5 tiếng là chuyện bình thường. Về nhà, thậm chí ảnh hưởng cả công việc gia đình, quát mắng con, va chạm với vợ hoặc những người xung quanh. Nhiều khi vợ tôi bảo anh cứ mang hết công việc về nhà nhưng đấy là tâm lý chung thôi, bởi vì trong đầu mọi thứ không thông thì cái gì cũng sẽ bị cản trở.

Càng thêm nhiều thời gian gắn bó với những người bệnh, thấu hiểu sự tàn khốc của ung thư, bác sĩ Hùng càng nhận thấy còn có những trách nhiệm lớn hơn nữa phải làm. Bác sĩ Hùng cho biết, tiếp cận với bệnh nhân là những trường hợp chăm sóc giảm nhẹ đau đớn, nhiều đêm trực có tới 3 – 4 bệnh nhân tử vong, tôi rất buồn, cảm thấy không biết mình có bước đi nào sai lầm không, vì nhìn thấy bệnh nhân tử vong mà không cứu được, toàn là giai đoạn muộn, tới 80% là đồng bào thiểu số. Họ không hiểu ung thư là bệnh gì, chỉ nghĩ là viêm nhiễm đơn thuần thôi, thứ hai là họ cũng không đủ kinh phí nên mình thấy là cần phải lật lại vấn đề, tức là phải phát hiện sớm thì mới điều trị có hiệu quả được.

Nghĩ là làm, một mặt bố trí cán bộ bảo đảm hoạt động tại trung tâm, một mặt, bác sĩ Hùng và các đồng nghiệp lên kế hoạch mở chiến dịch tầm soát ung thư miễn phí trong cộng đồng.

Hiện tại các anh đã đi được 4 cơ sở, gồm Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa và Bảo Yên. Mỗi huyện khám trung bình được 400 lượt tầm soát ung thư vú, tuyến giáp và cổ tử cung. Sắp tới Trung tâm sẽ chú trọng tầm soát ung thư phổi vì thực tế ghi nhận ở trung tâm số bệnh nhân mắc loại này rơi vào khoảng 35 – 40%.

Tuy nhiên, qua các đợt tầm soát, một sự thật đáng báo động cũng được hé lộ. Điều đáng buồn là không lần nào đi khám mà không có, nghĩa là ung thư ngoài cộng đồng rất nhiều, có những đợt đi khám phát hiện trên dưới 10 bệnh nhân. Có bệnh nhân phát hiện sớm, đưa ra đây mổ, sau khi kiểm tra lại thấy ổn. Nhưng để vận động đồng bào đi khám, rồi khi phát hiện ra bệnh đưa về  Trung tâm là cả một vấn đề. Nghĩa là phải tầm soát sâu, rộng hơn, tần số dày hơn, một mình Trung tâm Ung bướu hoặc Bệnh viện tỉnh thôi thì khó thực hiện được.

Theo bác sĩ Hùng, điều cần thiết nhất bây giờ là phải nâng cao ý thức chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng cao, từ dinh dưỡng, vệ sinh đến kiến thức y tế. Nhiều trường hợp mắc ung thư nhưng vẫn trông cậy vào các bài thuốc nam, thậm chí đi nhờ thầy cúng để rồi hối hận muộn màng.

Bên cạnh việc nâng cao nhận thức người dân thì mạng lưới y tế cũng cần phủ rộng để người dân tiếp cận được dễ nhất. Một bệnh nhân ở Si Ma Cai cách thành phố Lào Cai 100Km bị một cái u hoặc có vấn đề gì đó nghi ngờ, chuyển ra Bệnh viện tỉnh mất rất nhiều thời gian. Chiến lược lâu dài vẫn phải đào tạo chính nhân lực ở tại cơ sở. Hiện nay tuyến tỉnh thì có nhưng tuyến huyện thì gần như không có bệnh viện nào có hệ thống cận lâm sàng để chẩn đoán ung thư.

Công việc ngổn ngang áp lực là thế, nhưng với những người thầy thuốc như Tô Minh Hùng, niềm vui đôi khi cũng rất đơn giản. Anh ấn tượng với một bà mẹ 32 tuổi, sinh được 3 người con. Bệnh nhân sau khi phát hiện u não rất to, vào Trugn tâm cũng khó tiên lượng, hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, hoặc có di chứng về sau. Xúc động nhất là một ngày vô tình anh lướt qua cửa sổ, nghe thấy chị gọi các con vào phòng căn dặn, nếu mẹ ra đi thì phải ngoan ngoãn nghe lời bố, rồi anh phải dạy em khôn lớn, như thể là đã xác định trước. Nhưng rất may ca mổ thành công, bệnh nhân có thể sống trở lại bình thường. Niềm vui vỡ òa là cảm giác anh nhớ nhất.

Và ngay trong những lằn ranh sinh tử - khi người thầy thuốc phải chạy đua với thì giờ để cứu chữa được nhiều người bệnh hơn, thì cũng chính là lúc giúp bác sĩ Tô Minh Hùng rút ra những bài học lớn về cuộc sống. Vào đây nhìn thấy cuộc sống chậm lại rất nhiều. Một ngày đi buồng khám một loạt bệnh nhân nhưng nhiều khi khám buổi sang, họ còn nói chuyện với mình nhưng buổi chiều đã tử vong rồi, nhiều người còn rất trẻ. Ranh giới giữa cái sống với cái chết mong manh như vậy nên cuộc sống nhiều khi phải chậm lại. Ai cũng mong muốn vươn lên, muốn có tiền tài, địa vị, danh vọng nhưng làm sao để sống đúng và sống có ý nghĩa, các cám dỗ cũng cần phải loại bỏ để chúng ta mang đến sự yêu thương và chia sẻ nhiều hơn.

Bài học sau gần 20 năm gắn bó với nghề y của bác sĩ Tô Minh Hùng có lẽ cũng là bài học chung cho tất cả chúng ta để yêu thương tiếp nối yêu thương./.   

 

 

An Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC