Các huyện miền núi Quảng Ngãi chuẩn bị cho năm học mới
Thứ hai, 06:19, 02/09/2024 Thành Long/VOV Miền Trung Thành Long/VOV Miền Trung
VOV4.VOV.VN: Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi nói chung và các huyện miền núi nói riêng đang gấp rút củng cố trường lớp, cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, ổn định đội ngũ giáo viên, vệ sinh trường lớp và vận động học sinh chuẩn bị bước vào khai giảng năm học mới 2024-2025. Mọi công tác đã sẵn sàng đón học sinh bước vào năm học mới trong môi trường thân thiện, trường lớp sạch sẽ, khang trang.

Bước vào năm học mới 2024-2025 này, nhiều phụ huynh ở các xã lân cận với xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi vui mừng khi Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng được đầu tư xây dựng thêm dãy phòng học và khu bán trú cho học sinh. Vậy là năm học mới này, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số nhà ở xa được vào nội trú tại ngôi trường khang trang, đầy đủ, không còn phải đi học xa như trước đây.

Bà Đinh Thị Hinh, nhà ở xã Sơn Mùa, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ: “Tôi thấy ở đây trường lớp rất khang trang. Bây giờ tôi cảm thấy con cháu mình được học hành đàng hoàng ở ngôi trường mới. Rất cảm ơn Đảng, Nhà nước cũng như huyện đã quan tâm giúp đỡ để Sơn Tây có thể phát triển nhiều hơn nữa. Bà con ở đây cảm thấy rất là vui và phấn khởi”

Chuẩn bị cho năm học mới 2024-2025, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng, huyện Sơn Tây được đầu tư xây dựng thêm 9 phòng học, 12 phòng ở bán trú cho học sinh và giáo viên. Cơ sở vật chất được đầu tư mới này giúp xóa 3 điểm trường lẻ, các em học sinh về tập trung tại điểm trường này. Bà Đoàn Thị Bích Nguyệt, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Thanh Kháng cho biết: Năm học mới này, nhà trường có 23 lớp với hơn 650 em học sinh; trong đó 400 em học sinh Tiểu học, còn lại là Trung học sơ sở; số học sinh ở lại bán trú là 120 em:

“Nhà trường rất vui, thầy cô và phụ huynh, học sinh rất là phấn khởi được học và ở trong một môi trường khang trang và đầy đủ tiên nghi cho các em trong năm học này. Quyết tâm của nhà trường năm nay là đưa các em về ở một chỗ để nâng cao chất lượng giáo dục và tổ chức được nhiều hoạt động tập thể, hoạt động vui chơi giải trí cho các em” - Bà Đoàn Thị Bích Nguyệt cho biết thêm.

Năm học mới 2024-2025, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa cơ sở trường lớp. Hiện nay, các trường học phối hợp với địa phương, phụ huynh vận động học sinh ra lớp theo kế hoạch khai giảng năm học mới. Riêng đội ngũ giáo viên, năm học mới này, huyện Sơn Tây thiếu 34 giáo viên, chủ yếu ở các điểm trường mầm non, các bộ môn mới như: âm nhạc, mỹ thuật, tin học…

Còn tại huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi, có 47 trường học với khoảng 16 ngàn học sinh. Huyện này có 1 trường dân tộc nội trú và 3 trường PTDT bán trú. Để chuẩn bị cho năm học mới, phòng Giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp các xã, thị trấn rà soát cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, sách giáo khoa. Các trường tổ chức vệ sinh trường, lớp học, công trình nhà vệ sinh, đảm bảo khuôn viên, cảnh quan xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện...Bà Đinh Thị Ái Ly, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Huyện ưu tiên nguồn lực để sửa chữa, khắc phục những tồn tại về cơ sở hạ tầng, đảm bảo điều kiện tốt nhất đón các em học sinh vào năm học mới.

“Chuẩn bị cho năm học mới, Phòng tham mưu cho huyện bổ sung kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất, như là chuẩn bị trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo chương trình mới. Về cơ sở vật chất hàng năm cũng tham mưu UBND huyện bổ sung kinh phí để sửa chữa. Ưu tiên đối với trường mà phòng học không đảm bảo an toàn cho học sinh sẽ ưu tiên sửa chữa” - Bà Đinh Thị Ái Ly nói.

Năm học này, toàn tỉnh Quảng Ngãi đón gần 287 nghìn học sinh, học viên. Năm học 2024-2025, tỉnh Quảng Ngãi bố trí từ nguồn vốn sự nghiệp giáo dục cấp tỉnh 30 tỷ đồng để ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sửa chữa cơ sở vật chất 39 đơn vị trực thuộc. Đối với các huyện miền núi, hiện nay 100% trường Tiểu học tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xây dựng mô hình về tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số như: xây dựng thư viện thân thiện, thư viện xanh, thư viện di động, góc tăng cường tiếng Việt... Từ đó, tạo sân chơi, môi trường học tập lành mạnh, thân thiện phát huy được sự tự tin, tính sáng tạo của các em trong quá trình học tập, giúp các em từng bước tích lũy vốn tiếng Việt, rèn kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống,... Hiện, 100% trẻ em 5 tuổi người dân tộc thiểu số đều học các lớp chuẩn bị tiếng Việt trước khi bước vào lớp 1.

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh thì đến giờ này cơ bản cơ sở vật chất của ngành Giáo dục và Đào tạo cơ bản đáp ứng được. Đến giờ này công tác chuẩn bị cho năm học mới, một số công trình còn đang sửa chữa nâng cấp dở dang tiếp tục hoàn thiện. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp các huyện khảo sát để trình cấp thẩm quyền đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026-2030 để triển khai xây dựng cơ sở vật chất. Các dự án đầu tư công trung hạn thì bây giờ ưu tiên cho các trường ở khu vực miền núi”./.

Thành Long/VOV Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC