Cần xử phạt mạnh hơn những trường hợp kết hôn cận huyết, tảo hôn?
Thứ sáu, 00:00, 11/11/2016

(VOV4) - Có lẽ, vì quá nhiều rào cản khiến cho tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trở nên đáng báo động ở nhiều vùng đặc biệt khó khăn. Nhiều người cho rằng để giải quyết vấn đề này, chế tài xử phạt cần mạnh hơn, cần xây dựng một quy trình can thiệp xử lý trong những trường hợp khẩn cấp, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của trẻ mới lớn.

 

Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trả lời phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam:

 

 

Ông Nguyễn Văn Tân: - Tôi không nghĩ việc tăng mức chế tài xử phạt này sẽ làm giảm tỷ lệ tảo hôn một cách rõ rệt đâu. Trước hết, phải nói là căn nguyên của tảo hôn hiện nay không chỉ xuất phát từ các tập tục, thói quen của người dân nữa, mà nó xuất phát từ các cháu thanh niên, vị thành niên, tình cảm xuất hiện sớm. Cũng có trường hợp các cháu yêu nhau rồi, gia đình ngăn cản thì các cháu có những hành vi hết sức là tiêu cực, thậm chí là đi tới kết liễu cuộc sống của mình.

 

Chúng tôi đang soạn thảo Đề án Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh niên và vị thành niên. Chúng tôi cho rằng phải đẩy mạnh các nội dung tuyên truyền giáo dục về sức khỏe sinh sản, hôn nhân và gia đình cho vị thành niên và thanh niên. Nhưng chỉ có giáo dục thôi thì không đủ, mà phải trang bị công cụ cần thiết trong những trường hợp lỡ xảy ra.

 

Tuyên truyền cho người dân biết những nguy hại của việc tảo hôn, kết hôn cận huyết. Ảnh: baomoi.com

 

PV:Thưa ông, đó là một giải pháp để xử lý ở góc độ khẩn cấp. Còn một góc độ nữa là các cháu bị ép, chẳng hạn như có cháu gái ở Cao Bằng còn đòi tự tử vì bị ép tảo hôn. Và thực tế thì không có cơ quan nào thấy mình có trách nhiệm cả.

 

Ông Nguyễn Văn Tân: - Nếu làm theo đúng thủ tục hành chính thì khó làm. Chúng tôi nghĩ rằng trước hết là phải gắn với trách nhiệm của chính quyền cơ sở, đặc biệt là người đứng đầu. Nếu để xảy ra thì anh cũng phải gánh hậu quả của nó. Chứ nếu chỉ quan tâm đến việc có trường hay không, có trạm hay không, đường sá nông thôn có sạch đẹp hay không, mà xao lãng đi những việc này thì chúng ta sẽ khó có được một cái nông thôn mới đúng nghĩa.

 

Quan sát ở cơ sở thì thường là chú ý nhiều tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng hơn là việc xây dựng nếp sống, xây dựng hạ tầng xã hội và văn hóa. Chúng ta cần chấn chỉnh sự lệch lạc này.

 

PV:  - cảm ơn ông!

 

 

Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025". Mục tiêu chung là đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

 

Theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban Dân tộc, tỷ lệ tảo hôn chung của các dân tộc thiểu số rất cao, lên đến 26,6%. Đặc biệt, một số dân tộc có tỷ lệ tảo hôn cao như: Mông (gần 60%), Xinh Mun (hơn 56%), La Ha (gần 53%), Gia rai (42%)…

 

Hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ 0,65%, tồn tại chủ yếu ở một số dân tộc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và sống biệt lập như Mạ, Mảng, M'nông, S'tiêng…

 

 

 

Thanh Tâm/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC