Quanh năm vất vả với mảnh nương và cánh rừng keo nhưng cuộc sống của gia đình anh Bàn Văn Hồng vẫn khó khăn. Một lần, tình cờ đọc được bài viết về mô hình nuôi dúi thành công của một số thanh niên, anh Bàn Văn Hồng thấy cuốn hút và bắt đầu tìm hiểu.
Đến năm 2018, hai vợ chồng tìm mua dúi giống của bà con đi rừng đào được về nuôi thử. Anh cho biết, thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên nhiều cặp dúi nuôi bị bệnh chết hoặc phát triển rất chậm.
Tuy nhiên, anh vẫn kiên trì tìm hiểu nguyên nhân và rút ra những kinh nghiệm trong quá trình nuôi thực tế. Hiện trại dúi của anh đã có hơn 300 con dúi được nhân giống từ 40 cặp dúi ban đầu.
"Dúi chỉ ăn tre, mỗi ngày đi chặt một lần tre mang về cho nó ăn. Ngô tự trồng nên không tốn. Một ngày cho ăn một lần, nếu đi đâu làm gì thì 2 hôm nuôi một lần cũng được. Trước đây mình đi phát nương, trồng keo. Hiện nay vừa chăn dúi vừa trồng keo, làm công việc khác". - Anh Bàn Văn Hồng biết.
Mỗi ngày, hai vợ chồng anh Bàn Văn Hồng thay phiên nhau chăm sóc trại dúi từ chặt tre, chuẩn bị thức ăn, kiểm tra tình trạng sức khỏe của đàn, tiến hành ghép đôi cho sinh sản...
Chị Triệu Thị Hai - vợ anh Bàn Văn Hồng chia sẻ: "Chăm sóc con dúi phải xem nó có bị đau bụng hay không. Nếu con dúi nó không ăn thì phải kiểm tra xem răng có bị gãy hay nó bị đau bụng. Răng gãy mình phải dùng kìm cắt bằng, cho ăn cơm, thức ăn mềm khoảng 1-2 hôm cho răng mọc lại. Nếu dúi đau bụng thì phải cho uống thuốc. Dúi đẻ hoặc cho con bú mình sẽ chăm sóc kỹ hơn. Nhiều lúc cho cơm và mía nhiều hơn để dúi mẹ có sữa cho con bú".
Một năm dúi đẻ từ 2 - 4 lứa, mỗi lứa từ 2 - 6 con. Khi đàn dúi tăng đến hàng trăm con, vợ chồng anh Bàn Văn Hồng đã tích góp, vay mượn xây thêm chuồng trại với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng.
Anh Hồng cũng tận dụng những viên gạch lót sàn dựng lên thành từng ngăn có kích thước cạnh 0,6m để phòng dịch bệnh và dễ theo dõi quá trình sinh trưởng của dúi. Riêng khu vực nuôi dúi sinh sản hạn chế người lạ, bởi dúi mẹ nhát người có thể làm chết dúi con.
Mỗi con dúi thịt trưởng thành có trọng lượng từ 0,9-1,5kg, dúi giống mới tách mẹ sau khoảng 1,5 tháng cho cận nặng từ 0,3-0,4kg. Trên thị trường hiện nay, giá bán dúi thịt từ 600 - 650 nghìn đồng/kg; dúi giống từ 800 nghìn đồng/cặp; dúi bố mẹ sinh sản từ 2,5 triệu đồng/cặp... nên mỗi năm, gia đình anh Hồng thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
Anh cho biết: một số thời điểm nhu cầu của thị trường tăng cao, không đủ nguồn hàng nên anh dự định xây thêm một chuồng nữa để tách biệt khu nuôi dúi sinh sản với khu nuôi dúi giống, dúi thương phẩm.
Theo chị Bàn Thị Liên - Bí thư Đoàn Thanh niên xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long, ngoài việc đầu tư phát triển cho trang trại của mình, anh Bàn Văn Hồng còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho những người xunh quanh, nhất là các bạn trẻ muốn khởi nghiệp; tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, hội tại cơ sở.
Cùng với anh Bàn Văn Hồng, đến nay một số hộ gia đình trong xã bắt đầu phát triển mô chăn nuôi dúi thương phẩm bởi giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt. Mô hình nuôi dúi cũng mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người chăn nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở xã vùng cao Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung.
Viết bình luận