Tại khu vực vướng mắc địa giới hành chính, dân cư giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam hiện có 235 hộ dân sinh sống với gần 1.100 nhân khẩu, hầu hết là người Ca Dong (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng). Bà con sản xuất nông nghiệp trên tổng diện tích gần 330 hecta với chủ yếu là lúa nước 1 vụ cùng một số loại cây khác. Do giao thông về cả hai tỉnh đều cách trở, trình độ canh tác lạc hậu nên cuộc sống bữa đói bữa no.
Chị Bùi Thị Thu Oanh, một người dân ở đây cho biết: “Ở đây có đường xe đâu mà bán. Ở đây khó khăn kiếm măng, rau mình lấy mình đem về nhà mình ăn vậy thôi chứ có bán gì đâu. Không được bán, không được tiền gì hết”.
Dân nghèo nhưng lại không thể tiếp cận các chính sách ưu đãi của nhà nước do sự éo le trong quản lý địa giới hành chính, dân cư giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đó là dân cư thuộc tỉnh Quảng Nam còn đất đai lại do tỉnh Kon Tum quản lý. Hậu quả là ở khu vực này, các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường… đều không được đầu tư; nhà cửa, ruộng vườn đất đai của người dân không được cấp giấy tờ.
Từ năm 1993 đến nay, qua 5 lần tỉnh Kon Tum và Quảng Nam thành lập, chia tách các đơn vị hành chính thì hàng trăm hộ dân với hơn 1.000 người của thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn trong tình trạng “ăn nhờ ở đậu” trên đất của tỉnh Kon Tum.
Ông Đặng Quang Hà, Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: “Mặc dù địa giới hành chính thuộc huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum nhưng người dân của xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My sinh sống, do đó vấn đề cấp chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho người dân thì chưa thể thực hiện được. Địa bàn tương đối rộng quản lý về lâm nghiệp rất khó khăn và những lĩnh vực khác về kinh tế xã hội, đời sống nhân dân thì cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý”.
Do những vướng mắc trong quản lý hành chính, tỉnh Kon Tum không thể đầu tư cơ sở hạ tầng hay cấp giấy tờ cho người dân Quảng Nam, và ngược lại tỉnh Quảng Nam cũng không thể đầu tư cơ sở hạ tầng ngoài địa giới hành chính của tỉnh.
Từ năm 2021, Huyện uỷ Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã thành lập Tổ công tác do bà làm tổ trưởng với mục đích tiếp cận, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, nắm bắt tình hình an ninh trật tự để giúp người dân thôn 3, Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam đang sinh sống trên diện tích đất thuộc địa giới hành chính huyện Kon Plông ổn định cuộc sống. Song vì một lý do nào đó người dân có thái độ không hợp tác.
Bà Y Thị, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Kon Plông, tỉnh Kon Tum kể: “Khi các đoàn của tổ công tác vào tuyên truyền, người dân không hợp tác. Họ đi rẫy, họ đi ngủ đầm và không hợp tác, chỉ có một vài người thôi. Cuối cùng là chúng tôi vào tặng quà nhưng một số hộ không nhận quà, kể cả giáo viên. Chúng tôi bỏ quà ở đấy thì họ trả về”.
Trước thiệt thòi, khó khăn của người dân do vấn đề vướng mắc địa giới hành chính, dân cư, các ngành, các cấp 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam cũng đã nhiều lần tổ chức họp bàn. Thế nhưng đến nay 2 bên vẫn không thống nhất được phương án giải quyết vướng mắc. Cuộc sống của 235 hộ dân với gần 1.100 nhân khẩu sinh sống ở khu vực giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vẫn tiếp tục bấp bênh, chưa biết đến khi nào mới được an cư ổn định./.
Viết bình luận