Cuối hẻm 366 đường C, thôn 3, xã Cư Êbuôr, thành phố Buôn Ma Thuột, mùi hôi thối nồng nặc thoát ra từ các dãy chuồng chăn nuôi gà.
Anh Tôn Long Thắng, một người dân tại đây bức xúc, nói: “Nhà tôi cách trại nuôi gà chừng 40 mét thôi. Mở cửa ra thì mùi hôi thối bay vào rất khó chịu, nhưng đóng cửa thì trong nhà bức bí, khó chịu. Chiều về muốn cho con ra ngoài chơi nhưng sợ cháu hít phải không khí ô nhiễm bị ho nên phải đóng cửa trong nhà để phòng tránh. Tôi kiến nghị cần sớm di dời trại gà ra khỏi khu dân cư để trả lại không khí trong lành cho người dân sinh sống.”
Chung cảnh ngộ, anh Đỗ Trọng Huỳnh, cùng ở hẻm 366, cho biết, trước dịch covid-19, trại này chỉ có một dãy chuồng nuôi vài trăm con gà. Sau dịch, quy mô trại mở rộng tới 6 dãy chuồng, tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng.
“Một tuần họ dọn phân gà 2 lần, mỗi lần như vậy xe chở phân không che phủ chạy ngang qua, phân rơi vãi xuống đường, mùi hôi thối nồng nặc bay xa cả trăm mét. Đặc biệt là trời nắng, ruồi và muỗi rất nhiều, nhà tôi xịt thuốc hàng ngày mà không xuể, chúng vẫn bay vào dù đã đóng hết cửa kính. Vợ con tôi bị dị ứng với mùi, ho nhiều, bị dị ứng ngứa hết người, mỗi lần đi khám đều bị phổi, thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần.” - Anh Huỳnh cho biết.
Toàn xã Cư Êbuôr hiện có 45 trang trại chăn nuôi gà, với tổng đàn khoảng 500.000 con, chủ yếu tập trung ở các thôn 2 và 3. Bà H’Luanh Êban, Phó chủ tịch UBND xã Cư Êbuôr, thừa nhận tình trạng ô nhiễm do các trang trại gà gây ra đã kéo dài nhiều năm, và xã cũng nhận được nhiều phản ánh từ người dân. Tuy vậy, việc di dời các trang trại ra khỏi khu dân cư còn nhiều vướng mắc, do khu quy hoạch trang trại chăn nuôi, giết mổ tập trung rộng 50 ha hiện chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng. Bà H’Luanh Êban, cho biết, xã sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các trang trại, tuyên truyền, nhắc nhở các hộ chăn nuôi tuân thủ đúng quy định bảo vệ môi trường.
"Hiện tại, cán bộ chuyên môn phải thường xuyên kiểm tra các trang trại chăn nuôi gà để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẽ nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu các hộ thực hiện cam kết không để xảy ra ô nhiễm. Trường hợp các hộ tiếp tục vi phạm, xã sẽ xử lý nghiêm, có thể buộc ngừng chăn nuôi nếu tái phạm" - Bà H’Luanh Êban nói thêm./.
Viết bình luận