Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, từ 15 năm trước, tỉnh có 16 doanh nghiệp thực hiện dự án trồng cao su trên tổng diện tích 25.000 ha đất rừng nghèo tại các huyện Chư Prông, Chư Pưh, Ia Grai, Đức Cơ, Ia Pa. Tuy nhiên, qua rà soát, đã có hơn 16.500 ha cao su bị chết, kém phát triển.
Năm 2018, tỉnh Gia Lai đề xuất được chuyển trên 12.000 ha cao su chết, kém phát triển trên đất rừng nghèo sang trồng cây khác. Sau khi được Chính phủ chấp thuận, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có hướng dẫn, nêu rõ: việc triển khai chuyển đổi cần đảm bảo các quy định của Luật Lâm nghiệp. Cụ thể là trồng thử nghiệm thành công, thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất sang mục đích khác và thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế.
Nhưng từ 2018 tới nay, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện mô hình chuyển đổi hiệu quả. Lý do là thiếu kinh phí, việc triển khai các mô hình thử nghiệm ở mức độ cầm chừng. Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Hồ Văn Niên- Bí thư Tỉnh uỷ Gia Lai nêu rõ, vấn đề chuyển đổi đã được tỉnh đề nghị từ lâu, nhưng tới bây giờ vẫn chưa thực hiện được. Tỉnh Gia Lai một lần nữa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn để làm sớm.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh Gia Lai cần chủ động chuẩn bị kỹ bộ hồ sơ, tài liệu nêu nguyên nhân, thực trạng, giải pháp chuyển đổi đối với diện tích cao su trồng trên đất rừng nghèo. Các đơn vị của Bộ sẽ cùng đồng hành trong việc hoàn thiện những thủ tục cần thiết.
Bộ trưởng cũng nêu rõ, vấn đề này các cơ quan kiểm lâm, lâm nghiệp của Bộ sẽ cùng làm với tỉnh chứ không chỉ hướng dẫn. Bởi vì theo Bộ trưởng, đây không phải vấn đề của riêng Gia Lai, mà là vấn đề của Tây Nguyên, có liên quan đến an ninh quốc gia. Vì vậy, đã đến lúc các bên phải làm hết sức nghiêm túc./.
Viết bình luận