Khi nào xóa được tảo hôn ở vùng cao miền Trung?
Thứ sáu, 00:00, 13/01/2017

(VOV) - Tảo hôn, hôn nhân cận huyết dẫn đến nhiều trẻ em bỏ học, không có việc làm, nghèo đói và sinh con bệnh tật... Cái vòng luẩn quẩn này cứ đeo bám đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số ở miền Trung. Giải pháp nào hạn chế, tiến tới đẩy lùi, xóa bỏ tình trạng này?

 

Sinh ra trong gia đình đông anh em, ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, bà Nguyễn Thị Sửu, dân tộc Tà Ôi, Trưởng ban Dân tộc miền núi tỉnh Thừa Thiên - Huế hiểu rất rõ hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mẹ và mẹ chồng bà đều lấy chồng từ lúc lên 10, cuộc sống của họ là chuỗi ngày cam chịu và cơ cực.   Tuổi thơ bị đánh mất nhưng vào thời ấy, ai cũng xem đó là chuyện bình thường.

 

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, bên cạnh quan niệm kết hôn sớm để có con đàn cháu đống, thêm người đi nương làm rẫy, lo việc nhà, thì những hủ tục như thách cưới, kết hôn trong cùng dòng tộc để của cải không chạy ra ngoài, hay những yếu tố lịch sử, môi trường sống là tác nhân của tệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống:

 

"Theo khoa học, hôn nhân cận huyết là mối quan hệ máu mủ, không nên, vì ảnh hưởng đến tương lai nòi giống. Nhưng đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì lại là nên. Mục đích sâu xa vẫn là giữ của. Ngày xưa khoảng cách giữa làng này làng nọ, các bộ tộc này với bộ tộc nọ rất là xa. Mỗi làng thường có 1-2 dòng họ mà thôi, hầu hết là họ hàng thân thuộc. Suy nghĩ, ý thức đó sống lâu ngày và chưa làm thay đổi họ được".

 

Họ hàng lấy nhau để của không chạy sang nhà khác là quan niệm của nhiều dân tộc. Ảnh minh họa: dantri.com


Nếu như tảo hôn và hôn nhân cận huyết trước đây chủ yếu do cha mẹ thì nay nhiều trường hợp là do tự nguyện. Một bộ phận giới trẻ bây giờ sống đơn giản và cởi mở hơn. Những bé gái 12, 13 tuổi mang thai không còn là chuyện hiếm.

 

Chị Hồ Thị Hồng, cán bộ dân số xã Phước Chánh, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, kể: “Các em đi học, mang bầu, rồi về nhà nghỉ học. Có bầu rồi các em giấu, gia đình phát hiện ra thì các em đã mang thai đến 5,6 tháng. Các em vẫn kiên quyết yêu là yêu, không chịu chấm dứt”.

 

Ngoài những nguyên nhân khách quan về lịch sử, phong tục tập quán, môi trường sống còn có nhiều nguyên nhân chủ quan làm cho nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống không dễ đẩy lùi. Đó là, sự bất bình đẳng giới; tình trạng nghèo đói, bỏ học; nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Trong khi đó, công tác tư vấn, truyền thông nhiều nơi mang tính hình thức, chiếu lệ; có nơi xem công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là trách nhiệm của riêng ngành Tư pháp.

 

Theo Thạc sỹ Hoàng Trọng Phán, để đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì tuyên truyền là giải pháp thường xuyên; hình thức lẫn nội dung tuyên truyền phải thực sự gần gũi với đồng bào:

 

"Quan trọng nhất là bây giờ phải đi vô giới trẻ bởi vì thay đổi người già rất khó. Tuy nhiên, trước tiên phải gặp già làng, trưởng bản, điều đó rất quan trọng. Còn nếu mình nói chuyện với họ như giáo dục giới tính thì quá bình thường, không vô được họ. Tôi nghĩ trái tim bắt đầu từ sự chân tình và sự chia sẻ đúng nghĩa như thế thì nó sẽ có tác dụng lập tức".

 

Tuyên truyền cho bà con thấy được tác hại của việc tảo hôn. Ảnh: baomoi.com

 

Chính phủ đã có Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, cho rằng, đã đến lúc phải xây dựng chế tài cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và nền văn hóa của từng dân tộc, địa phương; đồng thời phát huy cho được vai trò của già làng, trưởng bản:

 

"Ngày xưa  đám cưới tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cán bộ hay đi dự, nhưng sau khi có Nghị quyết thì tuyệt đối không đi dự; Đưa vào quy ước, hương ước, trường hợp vi phạm sẽ không được xét gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa. Khi mà ảnh hưởng đến tinh thần cộng đồng, người ta sẽ  phản ứng quyết liệt, làm cho những gia đình để xảy ra chuyện đó thấy cũng chùn".

 

Theo bà Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Chính phủ nên tham vấn các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức quốc tế về cách tiếp cận giải quyết thực trạng này; chú trọng thay đổi các chuẩn mực xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới, ngăn chặn tình trạng bỏ học giữa chừng, khuyến khích tạo điều kiện giúp các em được học nghề, bố trí việc làm.

 

Mục tiêu chung được đặt ra là đến năm 2025, nước ta cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Minh Hoa/VOV-Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC