Khó hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết vì rào cản khắp nơi
Thứ năm, 00:00, 10/11/2016

(VOV4) - Một cán bộ làm công tác dân số ở vùng cao đã thở dài rằng: hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số khó lắm, đụng đâu cũng thấy vướng, rào cản thấy ở khắp nơi.



 

Ông Hoàng Đình Anh, Giám đốc Trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cho biết: để tỏ thái độ kiên quyết với những trường hợp cưới tảo hôn ở địa phương, ngành dân số yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên không nên đến dự đám cưới, kể cả khi đó là người cùng dòng họ mình. Thế nhưng không phải cán bộ, đảng viên nào cũng nhận thức được điều đó.

 

Thậm chí, cán bộ, đảng viên còn dung túng cho việc nộp phạt để hành động vi phạm được tiếp tục. Nghị định 110 quy định xử phạt từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng đối với các hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Thế nhưng rất nhiều bậc làm cha làm mẹ chấp nhận đóng khoản phạt này. Nghèo khó, 1 triệu nộp phạt cũng phải đi vay, vậy mà họ bảo rằng: để con được lấy nhau sớm theo phong tục, thì phạt 3 hay 4 triệu họ cũng nộp.

 

 

Tảo hôn vẫn luôn là một vấn đề khó gỡ bỏ. Ảnh: dantri.com

 

Theo ông Hoàng Đình Anh, hành động này nguy hiểm ở chỗ: "Khi người ta nộp tiền, thì người ta nghĩ là, à, vậy là ông đã trao quyền cho tôi, tôi được làm việc này".

 

Thời gian gần đây, tỷ lệ tảo hôn ở nhiều địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số tăng lên đáng kể. Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa kết thúc chuyến khảo sát tại ba tỉnh Điên Biên, Sơn La, Hòa Bình, đã chỉ ra như vậy. Có một huyện vùng cao, chỉ trong 6 tháng đầu năm nay đã có khoảng 300 cặp tảo hôn. Và nếu sâu sát, thì chắc chắn con số sẽ không chỉ dừng lại ở 300.

 

Một vấn đề đặt ra cho công tác kiểm soát, hạn chế tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là số liệu thống kê hầu như không đầy đủ, trừ một số địa phương Tổng cục Dân số triển khai mô hình can thiệp trong mấy năm qua.

 

Câu chuyện mà chị Lục Thị Thắng, Chi cục trưởng Chi cục dân số tỉnh Cao Bằng kể sau đây càng cho thấy rào cản nhiều khi còn đan xen, trẻ có nguy cơ bị ép tảo hôn cũng khó mà cưỡng lại được phong tục:


"Một cháu gái ở một trường dân tộc nội trú huyện Bảo Lạc kêu cứu vì cháu đang bị ép cưới tảo hôn. Nếu không cứu cháu thì cháu sẽ tự tử. Cháu trao đổi điện thoại với một cô ở đài truyền hình. Cô này điện cho Chi cục Dân số. Khi chúng tôi đề nghị Trung tâm Dân số báo cáo ban chỉ đạo huyện để vào cuộc, thì các cơ quan thực thi pháp luật (công an, tư pháp), hội phụ nữ, thậm chí ủy ban nhân dân xã đều nói là không hề có đơn, xử lý những trường hợp này chúng tôi phải dựa theo đơn!

 

Chúng tôi phải hướng dẫn cho cháu viết một cái đơn. Cháu không biết viết, phải hướng dẫn cho thầy giáo chủ nhiệm để nộp UBND xã. UB khi tiếp nhận đơn thì họ lại nói trường hợp này gia đình 3 ngày nữa là cưới rồi nên rất khó xử lý và không xử lý được. Nếu ép quá thì gia đình tự tử tập thể. Ngành Lao động TBXH thì nói trường hợp này vuợt quá tuổi trẻ em, trên 16 tuổi rồi. Việc này không phải của ngành lao động. Bên phụ nữ thì phải chờ xem có ý kiến của phụ nữ xã…".

 


Thanh Tâm/VOV4

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC