Trong loạt dự án chậm giải ngân, được UBND tỉnh Kon Tum nêu đích danh, có Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào dân tộc thiểu số dọc sông Đăk Bla, địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ Bắc-đoạn từ làng Kon Hra Chót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, KonKlor 1 và Kon Tum Kơ Pơng). Dự án này mới chỉ giải ngân được hơn 5 tỷ 700 triệu đồng trên tổng nguồn vốn hơn 205 tỷ đồng; Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum giải ngân được 9 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn hơn 350 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 676 nối huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân được hơn 12 tỷ đồng trên tổng nguồn vốn 232 tỷ đồng...
Liên quan tình trạng chậm giải ngân đầu tư xây dựng, ông Võ Duy Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đang làm chủ đầu tư 9 dự án với 790 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, nhưng mới giải ngân được 31 tỷ đồng.
Ông Võ Duy Hùng, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là khâu giải phóng mặt bằng quá chậm. “Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là một trong những vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh nói chung và Ban quản lý dự án nói riêng. Đến tháng 7 thì hầu như các dự án vướng về đền bù giải phóng mặt bằng, cụ thể ở đây là chưa ban hành được giá đất cụ thể. Công tác đền bù giải phóng mặt bằng qua nhiều công đoạn cho nên nóng vội cũng không được, như thời gian công bố phương án giải phóng mặt bằng phải mất mấy chục ngày rồi. Thời gian định giá đất, rồi đi đánh giá về kết cấu hạ tầng của nhà người dân” - Ông Hưng nói.
Năm 2024, Chính phủ giao cho tỉnh Kon Tum nguồn vốn hơn 2.700 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 1.600 tỷ đồng và ngân sách địa phương hơn 1.000 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/7 vừa qua, tỉnh Kon Tum mới giải ngân đạt tỷ lệ 8,5% vốn trung ương giao, đứng thứ 6 từ dưới lên trong 63 tỉnh, thành phố cả nước./.
Viết bình luận