Lời ru buồn của những người mẹ trẻ
Thứ năm, 00:00, 12/01/2017

(VOV) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều bản làng dân tộc thiểu số khu vực miền Trung.

 

Trong căn nhà tranh trống trơn lẻ loi ở cuối thôn 1, xã Phước Năng, huyện vùng cao Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chị Hồ Thị Ra ôm đứa con trai 3 tháng tuổi còi cọc vào lòng, cất lời ru buồn bã. Bên cạnh, đứa con gái đầu 3 tuổi bị bại não nằm im, thi thoảng ngước nhìn mẹ.

 

Hồi nhỏ, chị và chồng ở cùng thôn; là con cô, con cậu nên chơi thân với nhau. Sau những cuộc vui, Hồ Thị Ra lỡ mang thai. Vậy là có một đám cặp vợ chồng cận huyết. Đứa con đầu lòng sinh ra bị bại não. Cả nhà buồn chán. Rồi chẳng bao lâu, chị bị sẩy thai đứa thứ hai. Đến lần thứ ba, đứa con sinh ra bị não úng thủy phải nằm viện, chạy chữa khắp nơi.

 

Dân làng bảo rằng vợ chồng chị cùng huyết thống nên sinh con mắc bệnh tật. Những đứa con xanh xao, gầy yếu. Chị bỏ hẳn chuyện nương rẫy, ở nhà chăm con. Cuộc sống gia đình trông vào đồng lương ít ỏi của chồng - một cán bộ văn hóa xã, nên không tránh khỏi bữa đói bữa no. Nhiều hôm, vợ chồng phải ăn rau rừng dành tiền chữa bệnh cho con. Cuộc sống đói nghèo, bệnh tật khiến vợ chồng thường xuyên cãi vã, gia đình chẳng mấy khi ấm êm.

 

Chị Hồ Thị Ra nghẹn ngào: "Em nhắn với mấy đứa  trẻ sau này đừng giống như em với chồng em, tội cho con, con thì không biết chi hết".

 

 

Tảo hôn, hôn nhân cận huyết dẫn tới nhiều hệ lụy đáng buồn. Ảnh: baomoi.com

 

Hoàn cảnh của chị Hồ Thị Mao, ở xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, cũng trớ trêu không kém. 16 tuổi, Mao đã phải bỏ học ở nhà làm vợ, làm mẹ. Cô bé gầy gò lóng ngóng bế đứa con trai 7 tháng tuổi ra đầu làng đón chồng đi học về. Vợ chồng trước đây cùng học trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn. Gần gũi, cô lỡ mang thai, hai gia đình tổ chức đám cưới. Mao về nhà mẹ đẻ sinh con, còn chồng Mao tiếp tục đi học.

 

Đáng lo ngại là tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở các bản làng xa xôi, mà len lỏi vào chốn học đường ở vùng đồng bằng, đô thị; nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng. Câu chuyện của em T. ở thành phố Quảng Ngãi là một ví dụ. Mới học xong lớp 9, T. đã phải nghỉ học vì trót mang thai. Đứa con ra đời, T. ở nhà nuôi con. Gia đình T. thuộc diện hộ nghèo. Cha mất sớm, mẹ tuổi già sức yếu ngày ngày vẫn phải đi làm thuê kiếm tiền nuôi con, giờ lại nuôi thêm cháu ngoại, cuộc sống thiếu trước hụt sau.

 

 Đứa trẻ vẫn đang tuổi cắp sách tới trường thì đã phải làm mẹ. Ảnh: baomoi.com

 

Tại 6 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ngãi, chỉ tính từ năm 2011-2015, đã có hơn 700 trường hợp trẻ em cưới vợ, lấy chồng khi đang còn tuổi đi học, chủ yếu là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra tập trung ở 2 huyện miền núi Nam Đông và A. Lưới. Đây là nơi sinh sống của đông đảo bà con các dân tộc Tà Ôi, Pa Kô, Vân Kiều, Cơ Tu… Từ năm ngoái đến nay, 2 địa phương này xảy ra 23 trường hợp tảo hôn.

 

Còn tại tỉnh Quảng Nam, nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết tập trung ở 68 xã thuộc 7 huyện vùng cao, với hơn 1.500 trường hợp.

 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, thừa nhận tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có chiều hướng gia tăng nhưng rất khó kiểm soát: "Tảo hôn thường xảy ra ở học sinh THCS. Sau khi học xong, nhiều em không có điều kiện xuống thị trấn Khâm Đức học thì các em tự bắt vợ, bắt chồng, rồi về sống chung với nhau không cần cưới cũng không cần giấy kết hôn. Gia đình người ta vẫn đồng ý chuyện đó. Khi phát hiện ra, chúng tôi cử cán bộ xuống tận nhà vận động, ngăn cản thì gia đình phản ứng rất mạnh; còn để xử lý theo pháp luật thì rất khó".

 

Theo Thạc sỹ Hoàng Trọng Phán, Khoa Di truyền và Tiến hóa Đại học Sư phạm Huế, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gây ra hậu quả rất lớn đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Tảo hôn ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất, tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản của trẻ em gái. Còn hôn nhân cận huyết thống làm suy giảm sức khỏe, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi. Trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các bệnh như tan máu bẩm sinh, dị dạng, mù màu, bạch tạng, da vảy cá….

 

 

 

 

Minh Hoa/VOV-Miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC