Lời ru buồn trên thượng nguồn sông Giăng
Thứ tư, 00:00, 12/07/2017
VOV4.VN - Tộc người Đan Lai ở thượng nguồn sông Giăng, xã biên giới Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, sống biệt lập ở vùng lõi trung tâm Vườn quốc gia Pù Mát. Cuộc sống cùa bà con rất khó khăn và hiện còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh nhiều con trai để thờ cúng, nối dõi tông đường đã gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, để lại những lời ru buồn, day dứt bao thế hệ.


 

Lời ru em còn chưa tròn vành chữ của bé gái người Đan Lai, vọng ra từ dưới chân một ngôi nhà sàn nhỏ xiêu vẹo bên ven bờ sông Giăng. Đấy là ngôi nhà của vợ chồng anh La Văn Thìn và chị La Thị Tuấn, ở bản Cò Phạt. Ngôi nhà trống hoác, vật dụng đáng giá nhất trong nhà chỉ là mấy cái nồi nhôm đã mòn đáy.

13 tuổi lấy chồng, 19 năm, chị La Thị Tuấn sinh liên tiếp 7 người con. Con lớn nhất 18 tuổi, đã đi làm công nhân, còn con nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Sinh nhiều con, làm lụng vất vả, lại thêm chồng suốt ngày say xỉn, đánh đập, nên mới chỉ 35 tuổi, nhưng dáng đi của chị đã còng xuống, gương mặt gầy guộc đen xạm. 7 đứa con của chị sinh ra đã phải trông em, theo mẹ đi rẫy từ khi biết đi.

Mẹ trẻ con. Ảnh: baomoi.com

Từ lâu chị Tuấn không muốn sinh thêm nhiều con nữa vì thấy mình đã quá khổ, làm mãi vẫn không đủ ăn, nhưng quan niệm phải sinh bằng được con trai đã khiến chị vẫn phải cắn răng chiều chồng mà sinh thêm con:

"Mình cũng nỏ muốn đẻ, khổ chứ, bố không phải như người ngoài chăm sóc con hộ, bố đẻ ra bỏ hoang, mẹ phải chăm sóc. Đi làm nương, cõng con bên bụng, cõng con bên lưng, một bên con, một bên củi, khổ đau đớn".

Trồng lúa thì không có nước, nuôi gia súc thì dịch bệnh chết hết, nguồn sống chủ yếu của gia đình anh La Văn Bình, chị Lê Thị Xuân, ở bản Búng, chủ yếu phụ thuộc vào mấy nương sắn và mấy củ măng rừng. Một năm 12 tháng thì thiếu đói đến 10 tháng, 2 tháng còn lại sống nhờ vào nguồn gạo cứu trợ của nhà nước, vậy nhưng vợ chồng chị Xuân, dù đã có 4 cô con gái, vẫn cố sinh cho bằng được một cậu con trai để có người nối dõi, thờ cúng:

"Vất vả, muốn kiếm chi ra cho con ăn, không có chi ăn, ăn sắn ăn khoai. Không có con trai, muốn theo cho được con trai, con trai để chết cho thờ cúng" - chị Xuân nói.

Là cộng đồng có dân số ít, lại cách ly với thế giới bên ngoài, người Đan Lai có nguy cơ suy giảm giống nòi do hôn nhân cận huyết.  Ảnh:baomoi.com

Hai bản Cò Phạt và bản Búng có 210 hộ, thì 100% là hộ nghèo. Tỉ lệ hộ gia đình sinh con thứ 3 trở lên chiếm tới gần 90%. Chị Trương Thị Lập, dân tộc Thái, lấy chồng người Đan Lai ở bản Búng 21 năm. Với thâm niên gần 10 năm làm chi hội trưởng chi hội phụ nữ bản, chị cho biết, để tuyên truyền vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình là cả một vấn đề lớn khi cái lý cổ hủ của người Đan Lai bao nhiêu năm vẫn không thay đổi:

 "Ta nói là nhiều con rứa là chắc cũng vất vả đó, sinh cỡ một con hai con là được, nhưng mà họ nói là theo đuổi con trai. Họ cứ đẻ con gái là muốn lấy con trai, nhà nước không nuôi thì ta làm được ta nuôi con, không phải nhà nước nuôi. Phải có con trai nối dòng dõi mới được".

Nhiều năm lặn lội tuyên truyền chị em tham gia kế hoạch hóa gia đình, chị Vi Thị Tố Loan, cán bộ dân số xã Môn Sơn, rất trăn trở khi đã có nhiều chị em không muốn sinh nhiều con nữa, nhưng do trình độ nhận thức còn thấp nên vẫn chưa thể tiếp cận hết những thông tin về vấn đề này:

"Bắt đầu có thai một số mới biết, có khi 3, 4 tháng mới biết là mình có thai nên không thể can thiệp được. Họ sợ đau, họ không muốn đặt vòng, cấy que cấy thì giá cả rất cao. Thuốc uống, một số chị em hay quên giờ giấc, không uống đúng liệu trình của thuốc tránh thai".

Nhà nước đã có chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo tồn, duy trì, phát triển nòi giống của tộc người Đan Lai. Tuy nhiên, việc sinh đẻ không có kế hoạch, cùng với những hủ tục lạc hậu đã và đang kìm hãm sự phát triển ở nơi đây. Những lời ru buồn vẫn văng vẳng trong rừng thẳm, nơi thượng nguồn sông Giăng.

 

 

CTV Anh Đào

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC