Huyện vùng cao Mù Cang Chải hiện có 1.830 ha ruộng nước. Do điều kiện địa hình cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên hàng năm có đến 500 ha ruộng bị thiếu nước, không thể cày cấy... Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến miền đất thuộc diện 30a này mãi chưa "khấm khá" lên được. Ước mơ có thể canh tác hai, thậm chị ba vụ lúa là khát khao bao đời của đồng bào Mông nơi đây.
Ước mơ đó giờ đã thành hiện thực khi giống lúa chịu hạn ADI 73 xuất hiện. Tại bản La Phu Khơ, xã Kim Nọi, cánh đồng với diện tích 14 ha nhưng có đến 3 ha thường xuyên thiếu nước không thể gieo cấy được cây lúa, nhất là trong vụ Đông Xuân, một trong những vụ chính của người dân ở đây. Thế nhưng vụ sản xuất năm nay, số diện tích thiếu nước ấy đã được gieo cấy bằng giống lúa ADI 73, là giống lúa chịu hạn, phù hợp với điều kiện khí hậu vùng cao.
Với việc đưa giống lúa chịu hạn vào canh tác tại những diện tích thiếu nước đã giúp cho người dân trong bản La Phu Khơ duy trì và đảm bảo được diện tích gieo cấy hàng năm. Giống chịu hạn này phát triển tốt, năng suất cao, được nhiều người dân tin tưởng.
Đồng bào vùng cao Mù Cang Chải phấn khởi thu hoạch lúa chịu hạn.
Toàn xã hiện có trên 196 ha lúa nước, trong đó có trên 10 ha thiếu nước cục bộ, người dân phải chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu khác kém hiệu quả hơn, do vậy ảnh hưởng đến sản lượng lương thực. Từ khi huyện giới thiệu giống lúa chịu hạn ADI 73 có thể đưa vào canh tác tại những diện tích thiếu nước, xã Kim Nọi đã vận động nhân dân gieo cấy được 3 ha. Sau khi đưa vào canh tác, giống lúa này đã sinh trưởng tốt; kể cả khi gieo cấy ở những diện tích ruộng mới khai hoang, thiếu nước trong thời gian tới tận 2 tháng thì qua đánh giá ban đầu năng suất ước tính vẫn đạt 6 tấn/ha, chất lượng gạo ngon:
Ông Mùa A Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Nọi cho biết, có lúa chịu hạn thì diện tích đất ở Kim Nọi không có nước để tưới tiêu bà con đều có thể trồng được. Chắc chắn bà con sẽ đăng ký đăng kí nhiều hơn, sẽ giúp xã phát triển kinh tế.
Năm 2021, huyện Mù Cang Chải đã mạnh dạn đưa giống lúa chịu hạn ADI 73 vào trồng thử nghiệm. Qua 2 vụ cho thấy, giống lúa này dễ thâm canh, có sức chống chịu hạn rất tốt, nếu có bị thiếu nước vẫn phát triển bình thường. Ngoài ra, giống lúa này còn có ưu điểm nổi trội là chống chịu được các loại bệnh như đạo ôn, rày nâu thường xuất hiện ở vùng cao.
Với những thành công đó, thời gian tới, giống lúa này tiếp tục được nhân rộng ở khắp các địa phương của Mù Cang Chải, phủ xanh những triền ruộng khô, góp phần đảm bảo an ninh lương thực nơi non cao này.
Ngoài giống lúa chịu hạn, đi dọc theo các xã vùng cao Mù Cang Chải, đâu đâu cũng thấy những “cây mới, con mới” đã và đang được người dân địa phương nuôi trồng, canh tác với mục tiêu thay đổi hình thức, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Những giống dễ nhớ như: Lợn rừng, Gà đen H’ Mông, Vịt bầu Lục Yên… đến những giống phải tận “mắt thấy tai nghe” như: Rau Mầm đá, Nấm dược liệu, Lê Tai nung…
Huyện Việt Yên có tổng diện tích khoảng 1.200 km2, với ba tiểu vùng khí hậu khác nhau. Căn cứ vào từng tiểu vùng khí hậu, huyện tính toán thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp. Việc đưa các cây trồng mới, cây trồng có hiệu quả kinh cao vào trồng trên đất lúa, đất ngô hiệu quả thấp là một trong những hướng chính trong nỗ lực giảm nghèo bền vững, hướng tới cuộc sống khá giả cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho biết: Chủ trương của huyện là tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của địa phương, nhưng phải sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa những giống mới vào để sản xuất.
Huyện vùng cao Mù Cang Chải mỗi năm giảm được trên 8% hộ nghèo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, đổi mới trong làm ăn, phát triển kinh tế của bà con đồng bào dân tộc Mông, mục tiêu đến năm 2025, huyện vùng cao này thoát khỏi huyện nghèo là rất khả quan./.
Đinh Tuấn -VOV Tây Bắc
Viết bình luận