Người dân vùng cao hoang mang với thị trường lao động Trung Đông
Thứ năm, 16:24, 25/08/2022 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Tại tỉnh miền núi Lai Châu, nhiều người đi lao động xuất khẩu nhưng không tìm được việc làm phù hợp, thu nhập không ổn định nên đã bỏ về trước thời hạn, để rồi mang trên mình khoản nợ vay chưa biết ngày nào trả hết.

 

Về nước trước thời hạn cách đây vài tháng từ thị trường lao động Ả rập Xê út, chị Tẩn Yêu Mẩy, dân tộc Dao, ở bản Sì Lèng Chải, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) nay đã quay trở lại với cuộc sống thường nhật làm nương rẫy của gia đình. Khi đi xuất khẩu lao động, ngoài khoản tích cóp, gia đình chị đã phải vay mượn thêm hơn 100 triệu đồng để lo thủ tục với mong muốn có thu nhập tốt để gửi về, cuộc sống của gia đình sẽ khấm khá hơn, nhưng thực tế lại không được như mong muốn.

Chị Mẩy cho biết, một số người sang bên đó được ông, bà chủ đối xử tốt; một số khác thì ông, bà chủ đối xử không tốt nên cuộc sống rất khó khăn. Đi cùng với em có một chị, khi về nước thì quần áo, tư trang ông, bà chủ giữ lại hết không cho mang cái gì về. Trước đó, biết được hoàn cảnh của chị, em kêu chị đình công luôn không làm; ông, bà chủ đánh đập cũng không làm nữa, nên mới được về nước.

Không đồng ý với cách hành xử của người sử dụng lao động, chị Tẩn Yêu Mẩy đã đình công và được về nước sớm.

Năm 2019, bản Sì Lèng Chải, xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ có 8 phụ nữ đi xuất khẩu lao động tại Ả rập Xê út, do Công ty Cổ phần hợp tác lao động quốc tế Vinaco, thuộc Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam tuyển chọn. Công việc được giới thiệu là làm giúp việc, với mức lương cao và cuộc sống ổn định. Đến nay đã có 7 người về nước sau khi hết thời hạn 24 tháng hợp đồng và còn 1 người chưa về không rõ lý do.

Anh Chẻo Phủ Chin - chồng chị Tẩn Phẩy Nhàn - là lao động chưa về chia sẻ: Từ khi đi xuất khẩu lao động, rất ít khi chị Nhàn được gọi điện về hỏi thăm gia đình. Cuộc gọi cuối cùng anh nhận được từ vợ là cách đây 3 tháng và cuộc nói chuyện chỉ kéo dài chưa đầy 5 phút, do gia chủ kiểm soát rất gắt gao việc sử dụng điện thoại của chị Nhàn. Cũng đã 15 tháng nay, anh chưa nhận được tiền từ chị Nhàn gửi về nên anh rất lo lắng. Nhiều lần anh gọi điện đến đơn vị tổ chức để hỏi nguyên nhân và nhờ tìm giải pháp giúp vợ mình sớm được trở về, nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Có những lao động đã hết hạn hợp đồng, nhưng vẫn chưa được về nước

Xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ hiện có hàng chục lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó phần nhiều là thị trường Trung Đông, với công việc chủ yếu là giúp việc. Từ thông tin của những người đã về và chưa về cho biết, cuộc sống, thu nhập của họ bên đó rất khó khăn, không được như hứa hẹn của đơn vị tuyển dụng. Đến nay, dù đã hết thời hạn, nhưng một số lao động vẫn chưa về nước và cũng ít liên lạc với gia đình, khiến người thân của họ rất lo lắng.

Ông Giàng A Dua, Phó Chủ tịch UBND xã Lản Nhì Thàng, huyện Phong Thổ (Lai Châu) cho biết, Năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có công văn gửi về địa phương thông báo tuyển người đi lao động ở nước ngoài. Xã đã phối hợp với Công ty Vinaco tuyển lao động ở địa phương đi làm trong thời hạn 2 năm. Đến thời điểm này đã hết hạn hợp đồng, nhưng trên địa bàn vẫn còn một số trường hợp chưa về địa phương. 

Ảnh minh họa

Xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng thu nhập cho người dân vùng cao; bởi khi về nước, họ có thêm nguồn lực để đầu tư làm ăn, giúp gia đình thoát nghèo và vươn lên khá giả. Thế nhưng, việc không được trả thù lao xứng đáng và không được người sử dụng lao động tôn trọng quyền và lợi ích đang khiến tâm lý của không ít lao động hoang mang. Bà con mong rằng cơ quan chức năng địa phương sớm có giải pháp khắc phục, giúp người dân yên tâm hơn khi tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường trong thời gian tới./.

 

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC