Nguy cơ biến mất cả tộc người vì kết hôn cận huyết
Thứ năm, 00:00, 04/08/2016 Hà - CT Hà - CT

(VOV4) - Hôn nhân cận huyết đang làm những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ biến mất. Ở cả 3 miền, đặc biệt là tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, hệ lụy của hôn nhân cận huyết là nhiều người mắc những căn bệnh khó chữa, tỷ lệ tử vong cao.

 

Yêu nhau thì lấy nhau thôi

 

Đặng Phổ Hin, 30 tuổi, và vợ là Đặng Muôn Nai, 32 tuổi, đều là người Dao, ở xã Yên Sơn, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Họ là con cô, con cậu. Cậu con trai oặt ẹo trên lưng Nai. 7 tuổi mà cậu bé chỉ nhỏ như đứa trẻ lên 2, không ăn được gì, lớn lên là nhờ uống sữa. Đặng Phổ Hin không biết vì sao con mình lại như vậy!

 

Con trai, con gái nhiều dân tộc ít người nghĩ rất đơn giản: cứ yêu nhau là lấy thôi. Cứ không mang cùng một họ là có thể lấy nhau, hoặc lấy nhau trong cùng một dòng họ để của cải không bị “chạy ra ngoài”.

 

Theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Lai Châu, tỷ lệ kết hôn cận huyết thống của người Mảng chiếm khoảng 20%. Tuổi thọ trung bình của dân tộc này chỉ là 50. Đây là một trong những dân tộc có tuổi thọ thấp nhất tỉnh Lai Châu. Tỷ lệ vô sinh của các cặp vợ chồng người Mảng cũng rất cao. Có bản ngót nghét 30 hộ mà có đến 7 cặp vợ chồng không có con. Hôn nhân cận huyết còn làm tăng tỷ lệ bệnh và tỷ lệ tử vong, ảnh hưởng đến giống nòi.

  

Những đứa trẻ thiểu năng cả thể chất lẫn trí tuệ được sinh ra do việc thiếu hiểu biết

về việc hôn nhân cận huyết. Ảnh: baomoi.com

 

Bác sĩ Dương Bá Trực, nguyên Trưởng khoa Huyết học di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, phân tích:

 

“Hôn nhân cận huyết có rất nhiều vấn đề về mặt sức khỏe. Ngoài chuyện thoái hóa nòi giống thì trong y tế, chúng tôi thấy nó bộc lộ những bệnh gọi là bệnh di truyền lặn, đáng lo ngại nhất là bệnh tan máu bẩm sinh. Ở bệnh viện Nhi Trung ương, tôi thấy có rất nhiều bệnh về rối loạn chuyển hóa như rối loạn chuyển hóa axít amin, chất béo… Ở một số dân tộc, tỷ lệ bệnh này khá cao, như ở dân tộc Mông, tỷ lệ bệnh rối loạn chuyển hóa xít-trin là cao.

 

Hôn nhân cận huyết thống để lại những hậu quả khôn lường về mặt thể chất và đặc biệt nghiêm trọng là những rối loạn di truyền cho thế hệ sau. Thực tế và khoa học đã chứng minh trẻ em sinh ra bởi các cặp vợ chồng kết hôn cận huyết thống có tỷ lệ dị dạng cao, hoặc mang các bệnh di truyền nghiêm trọng như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, bệnh “lùn” v.v.  Người Si La đang có xu hướng nhỏ dần, cân nặng chỉ từ 40-45kg, chiều cao khoảng 1,45-1,60m.  Người Brâu, tỷ lệ chết khá cao”.

 

Theo kết quả nghiên cứu mới nhất vừa được Ủy ban Dân tộc công bố: 16 dân tộc có dưới 1.000 người đang có nguy cơ thoái hóa vì hôn nhân cận huyết thống. Đây là nghiên cứu tổng thể được thực hiện tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ - Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ.  Trong đó, 4 dân tộc đã nằm trong đề án khẩn cấp cần bảo vệ là Cống, Mảng, La Hủ ở Lai Châu, Điện Biên và Cờ Lao ở Hà Giang. Điều đáng lo ngại là tình trạng kết hôn trong dòng họ, con bác con chú, con cô con dì lấy nhau tồn tại ở nhiều dân tộc thiểu số, như các dân tộc Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru. Hầu hết trong số này là những dân tộc thiểu số ít người, có khó khăn đặc biệt. Họ thường sống rải rác tại các khu vực vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt.

 

Ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, cho biết: “Ở những quần thể dân cư nhỏ, sống biệt lập, không có điều kiện kết hôn với các quần thể khác, thực tế cho thấy các bệnh tật di truyền bẩm sinh là rất cao. Tại Việt Nam, các kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ mắc bệnh di truyền cao hơn ở các dân tộc ít người, có thể là do tập quán và điều kiện địa lý cách trở. Nó dẫn đến tình trạng hữu sinh vô dưỡng, tỷ lệ tử vong cao, chất lượng giống nòi bị suy thoái”.

 

 

Hệ lụy của việc kết hôn cận huyết. Ảnh: baomoi.com

 

Tuyên truyền vẫn là biện pháp hàng đầu


Trước thực tế đáng lo ngại về hôn nhân cận huyết như vậy, thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm góp phần làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Từ năm 2009, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai thí điểm mô hình “Can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số”.

 

Đến hết năm 2015, mô hình này đã được triển khai ở 22 tỉnh, 97 huyện và 362 xã. Một trong những hoạt động chủ yếu là tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đài truyền thanh xã; tổ chức hội nghị, hội thảo, nói chuyện chuyên đề với các nhóm đối tượng; cung cấp các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, nguy cơ, hậu quả của tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Mô hình đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự tham gia nhiệt tình của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số.

 

Bước đầu, người dân đã hiểu tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, nhận thức tác hại của việc kết hôn trước tuổi và kết hôn cận huyết thống. Nhờ đó, số cặp vợ chồng đăng ký kết hôn và khai sinh cho trẻ em tại cơ quan tư pháp xã tăng lên rõ rệt. Tuy vậy, khó khăn vẫn rất bộn bề, như lời chị Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm dân số huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên: "Mấy năm gần đây, kinh phí truyền thông của chương trình mục tiêu quốc gia cắt giảm nhiều, vì vậy, các phương tiện và kinh phí đầu tư cho truyền thông rất hạn hẹp. Chúng tôi chủ yếu dựa vào truyền thông trực tiếp, rồi tư vấn nhóm nhỏ, dựa vào các cộng tác viên dân số ở các địa phương và những người có uy tín ở cộng đồng. Nhiều thứ tiếng dân tộc, chúng tôi không thể truyền thông trực tiếp được, phải nhờ các trưởng bản, các ban ngành ở xóm".

 

Kinh phí ít, lương thấp, giao thông cách trở, đi lại khó khăn luôn là những thách thức đối với những cán bộ làm công tác dân số, nhân viên y tế thôn bản. Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình: “Thực tế qua triển khai mô hình giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho thấy giải pháp truyền thông, tuyên truyền, vận động là hàng đầu. Phải phát huy vai trò của nhân viên y tế thôn bản và cộng tác viên dân số, đặc biệt là những già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng; coi trọng truyền thông trực tiếp theo từng nhóm đối tượng, lồng ghép với nội dung sinh hoạt tại cộng đồng; đa dạng hình thức tuyên truyền bằng hình ảnh, sân khấu hóa nội dung tuyên truyền sao cho cụ thể, hấp dẫn, gần gũi với người dân. Đội ngũ truyền thông phải được tập huấn thường xuyên về kiến thức, kỹ năng”.

 

 

 

Thu Hà/VOV4

Hà - CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC