Các giáo viên phụ trách bản ở Trường Mầm non Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu hơn 1 tháng nay thường xuyên có mặt tại các bản, để gặp gỡ phụ huynh và làm công tác vận động học sinh ra lớp. Tùy từng bản người Thái, Mông, Dao hay Mảng... nhà trường đã bố trí các giáo viên biết tiếng của đồng bào xuống để thuận lợi hơn trong giao tiếp. Chính vì vậy, tỉ lệ phụ huynh ký cam kết cho học sinh ra lớp đầu năm học chiếm tỷ lệ cao.
Cô giáo Đặng Thị Vân, quê ở Yên Bái - người có gần 20 năm gắn bó với trường lớp và các em học sinh nơi đây chia sẻ: Trường Mầm non Nậm Hàng nơi cô đang công tác, có điểm trường cách xa trường trung tâm tới gần 100km... Đầu năm học cũng là thời điểm mùa mưa ở Tây Bắc, giao thông đi lại khó khăn, nên để lên được tới bản vận động phụ huynh đưa học sinh ra lớp có lúc phải mất vài ngày đường.
"Khó khăn lớn nhất chúng tôi gặp phải là nhiều gia đình khi chúng tôi đến thì không gặp được vì phụ huynh ở nhà. Có gia đình đi làm ăn xa, cũng có gia đình về các tỉnh miền xuôi đi làm công ty; có phụ huynh gia đình khác làm ở ngay địa phương thôi nhưng công việc không được thuận tiện; nhiều phụ huynh đi vào rừng tìm măng... có khi đi cả tháng mới về nên là chúng tôi không trực tiếp gặp được phụ huynh." - Cô giáo Đặng Thị Vân cho biết.
Đời sống của đồng bào ở vùng cao Nậm Nhùn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; các phụ huynh quanh năm tất bật với ruộng nương, nên việc học học của con em thường chưa được quan tâm đúng mức. Thế nhưng, nhờ sự quan tâm ngày càng toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội; cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành địa phương; cũng như của các thầy, cô giáo, nhận thức của người dân về giáo dục đã dần thay đổi.
Bà Cà Thị Tọ, ở bản Nậm Dòn, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Nhà tôi chủ yếu làm nông, chỉ biết đi chăn bò và làm ruộng, làm nương rất là vất vả. Các con, các cháu nhà tôi chỉ đi làm mướn, làm thuê để kiếm cái ăn thôi, chẳng biết làm cái gì. Các cô đến vận động cháu đi học, gia đình cũng chỉ mong các cô, các thầy làm thế nào để dạy dỗ các cháu được tốt và ngoan lên thôi."
Năm học này, Trường Nầm non Nậm Hàng có 9 điểm trường, với 19 lớp, gần 400 học sinh, chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Cho đến nay, vẫn còn 2 điểm trường ở cách trường trung tâm gần 100 km là Nậm Lay và Lồng Ngài chưa có điện lưới quốc gia.
Cô giáo Đinh Thị Tám, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Ngoài giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, khó khăn lớn nhất là hiện nhà trường còn thiếu 3 giáo viên và không có kinh phí để hỗ trợ thuê nhân viên nấu ăn cho học sinh bán trú. Để khắc phục tình trạng này, nhà trường đã có kế hoạch tổ chức dạy ghép lớp. Bên cạnh đó, ngoài giờ lên lớp thì giáo viên phải phối hợp với phụ huynh chăm sóc và chuẩn bị các khẩu phần ăn cho trẻ.
"Trường Nầm non Nậm Hàng có điểm trường Huổi Van có hơn 70 cháu dân tộc Mảng và dân tộc Mông. Khó khăn ở điểm bản đấy là có 39 cháu gia đình ở xa điểm trường, nên không thể đưa đón con về trong ngày được, mà phụ huynh phải gửi con từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Nhà trường cũng đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đã huy động được các mạnh thường quân, các tổ chức từ thiện để nuôi các cháu." - Cô giáo Đinh Thị Tám cho biết thêm.
Năm học 2023 - 2024, toàn huyện biên giới Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu có 29 trường, 359 lớp, với gần 10 nghìn học sinh; trong đó có 100 điểm trường lẻ. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, huyện đang thiếu gần 250 giáo viên, tập trung ở các bộ môn Tiếng Anh, Tin học và bậc học mầm non. Nhằm đảm bảo tốt nhất chất lượng dạy và học tại các nhà trường, hiện Phòng đã chủ động xây dựng kế hoạch và các phương án cụ thể để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Để đạt được các kết quả tốt nhất trong năm học mới, mỗi thầy, cô giáo ở Nậm Nhùn và tỉnh Lai Châu đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, gian khổ với tinh thần "Tất cả vì học sinh thân yêu". Tuy nhiên, để giáo dục vùng cao thực sự phát huy hiệu quả, rất cần những giải pháp đồng bộ từ các bộ, ngành, nhất là có các chính sách ưu đãi, nhằm "giữ chân" và thu hút giáo viên cống hiến lâu dài./.
Viết bình luận