Nhức nhối nạn tảo hôn ở Sơn La
Thứ ba, 00:00, 27/09/2016

(VOV) - Tảo hôn là câu chuyện được nói nhiều ở tỉnh miền núi Sơn La. Không khó khi đến các bản làng vùng cao ở tỉnh Sơn La và bắt gặp hình ảnh các cô bé, cậu bé 14 - 15 tuổi đã có con bồng con dắt.


 

Cháu Lầu thị A, ở bản Pa Chè, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, năm nay mới 14 tuổi nhưng lấy chồng đã gần 1 năm nay. Chồng A vừa bước sang tuổi 17. Cả 2 vợ chồng đều đang ở cái tuổi ăn, tuổi chơi nhưng giờ đã phải gánh vác việc gia đình. Lầu thị A cho biết: Học hết lớp 5 thì cháu nghỉ học vì điều kiện gia đình khó khăn, không có người lao động. Giờ lấy chồng, cháu phải lo hết công việc của người lớn. Sáng sớm đã phải lên nương đến tận chiều, về lại lo cơm nước, lợn gà. Cũng có lúc A thèm được đến trường, thèm được nhảy dây, chơi lò cò cùng chúng bạn.

 

Lý do A đưa ra khi lấy chồng sớm thật đơn giản: “Tại vì yêu nhau, nên khi mà người ta bảo lấy người ta thì mình không biết nên mình bảo, ừ, thì lấy”.

 

Lường Nhật Lệ, ở bản Tây Tà Lào, xã Tân Xuân, huyện Vân Hồ, mới 15 tuổi, cũng đã sắp làm mẹ. Lấy chồng lấy vợ sớm, chỉ một số cháu tiếp tục được đi học, hầu hết phải bỏ học ở nhà làm nương, làm ruộng. Hầu hết các cặp vợ chồng này chỉ biết sống dựa vào nương, rẫy, chăn nuôi, cuộc sống rất khó khăn. Bố mẹ họ cũng lấy chồng lấy vợ sớm nên giúp cho con em cưới sớm, chấp nhận chính quyền xử phạt. 

 

Ông Lầu A Sống, bố em Lầu thị A, nói: “Con của tôi nó tự yêu thích nhau, lấy về rồi thì mình phải cưới cho nó thôi!”.

 

 

Tình trạng tảo hôn vùng là một vấn đề nhức nhối. Ảnh: baomoi.com

 

Theo báo cáo của Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Vân Hồ, 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 80 cặp tảo hôn, riêng xã Vân Hồ có 48 cặp. Mặc dù huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các bản cũng có chế tài xử phạt tới 1 triệu đồng đối với các trường hợp tảo hôn, có gia đình nộp phạt, có hộ không có tiền nộp.

 

Ông Mùa A Cháy, Bí thư chi bộ bản Pa Chè 1, cho biết: “Bản cũng đẩy mạnh tuyên truyền trong các cuộc họp, tận hộ gia đình nhưng do nhân dân các xã vùng cao, đồng bào dân tộc Mông nắm về pháp luật không đầy đủ nên vẫn tảo hôn”.

 

Theo thống kê của Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Sơn La, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 500 cặp tảo hôn, 2 cặp kết hôn cận huyết thống. Nhiều xã, tỷ lệ tảo hôn rất cao, như tại xã Lóng Luông, huyện Mộc Châu (52%); xã Vân Hồ (68%). Tảo hôn xảy ra chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông, Thái, Mường.

 

Ông Trần Đình Thuận, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Sơn La, cho biết: “Giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là 1 điều hết sức khó khăn. Chúng tôi đã và đang triển khai rất nhiều hoạt động, đặc biệt là triển khai các mô hình can thiệp về tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại 11 trường dân tộc nội trú của tình. Hiện nay không còn tình trạng bỏ học về nhà lấy vợ lấy chồng, đấy là 1 điều hết sức thuận lợi. Tuy nhiên kinh phí để triển khai toàn tỉnh là rất khó khăn”.

 

Tảo hôn ở Sơn La vẫn là câu chuyện buồn khi mà chính ngành chức năng cũng kêu khó; trình độ dân trí của người dân chưa đồng đều, quan niệm lấy chồng lấy vợ sớm vẫn hằn sâu trong nếp sống của đồng bào.

 

 

Hồng Việt/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC