Những nghị quyết làm đổi thay miền núi, vùng dân tộc thiểu số
Thứ bảy, 04:53, 27/07/2024 Thanh Tâm Thanh Tâm
VOV4.VOV.VN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những tư tưởng chỉ đạo, định hướng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh đất nước, trong đó có vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Riêng trong năm 2022, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư đã ký 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh 6 Vùng trong cả nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã làm rõ thêm vấn đề này khi trao đổi với phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam.

 

PV: Thưa đồng chí! Đây là lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển Vùng. Tại các hội nghị quán triệt và triển khai nghị quyết phát triển Vùng, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Phải giải quyết và nhận thức thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung cả nước. Cả nước vì Vùng, và Vùng vì cả nước”. Ở miền núi và vùng dân tộc, tinh thần “Cả nước vì Vùng, Vùng vì cả nước” của Tổng Bí thư đã và đang được khơi dậy, phát huy như thế nào, thưa đồng chí? 

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm: Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để thực hiện hiệu quả các Nghị quyết này, thì một trong những việc cần làm, là phải nhận thức và giải quyết thật đúng, thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước – “Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước”.

Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các Vùng trên cả nước cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, lòng yêu nước; tinh thần chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên; phát huy mọi nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chủ động phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, là cơ sở nền tảng để thúc đẩy liên kết và kết nối giữa các vùng trên cả nước với nhau.

6 Nghị quyết của Bộ Chính trị đã được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, kịp thời. Và nhất là khi triển khai Nghị quyết, Bộ Chính trị đều tổ chức các hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc để thông báo, quán triệt đồng thời gắn với việc triển khai kế hoạch thực hiện và cái định hướng để triển khai tổ chức thực hiện cụ thể của Chính phủ.

Nó cũng thể hiện cái đổi mới sáng tạo mà Tổng Bí thư hay nói: Nghị quyết có đi vào cuộc sống hay không là ở khâu tổ chức thực hiện. Chứ còn nghị quyết có viết hay nữa, nếu nó cứ nằm trên bàn giấy thì nó mãi mãi chỉ là tờ giấy bình thường. Và tôi cũng rất thấm thía lời Tổng Bí thư nói qua cách tổ chức triển khai Nghị quyết Vùng trong thời gian vừa qua.

Và qua thực tiễn thì cũng thấy rằng: từ khi triển khai đến nay, có những vùng, địa phương đã tranh thủ để tạo ra sự kết nối trên cơ sở những dự án về hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường cao tốc.

Trước đây có nhiều địa phương thiếu kết nối nên thời gian di chuyển giữa các địa phương tốn rất nhiều thời gian, nhưng hiện nay với những tuyến giao thông huyết mạch và cao tốc đã giải quyết rất căn cơ điểm nghẽn trong hạ tầng giao thông này.

Bên cạnh đó, những tuyến cao tốc trọng điểm Bắc - Nam, hoặc những tuyến cao tốc kết nối các vùng động lực cũng đã và đang triển khai một cách đồng bộ, kịp thời, đã tạo ra những điểm nhấn quan trọng, và cũng chứng minh được tính đúng đắn, phù hợp khi xây dựng Nghị quyết về Vùng và triển khai đầu tư trọng tâm trọng điểm theo từng lĩnh vực nội Vùng và giữa các Vùng.

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì quan điểm của Tổng Bí thư khi nói về “Cả nước vì Vùng và Vùng vì cả nước”, nó cũng thể hiện trách nhiệm của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị, của Trung ương đối với Vùng đồng bào dân tộc thiểu số, là vùng còn nhiều khó khăn, cả về hạ tầng thiết yếu, cả hạ tầng giao thông,  về các điều kiện thụ hưởng giáo dục, y tế… nhưng lại có những lợi thế về bản sắc văn hoá, về sự gắn kết cộng đồng.

Cho nên, việc các địa phương vùng dân tộc thiểu số ở các vùng cần phải nghĩ cho cái chung của cả nước. Đó là: mình từng bước phát triển để các vùng động lực từng bước chia sẻ trở lại cơ hội cho mình được phát triển kịp thời, bắt kịp, đi cùng nhưng vẫn giữ được giá trị của bản sắc văn hoá. Tôi cho rằng đó là những giá trị hết sức nhân văn của Đảng ta mà đồng chí Tổng Bí thư thường hay nói.

PV: Tổ chức triển khai thành công những Nghị quyết quan trọng này như mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư, sẽ tạo đà để miền núi, vùng dân tộc thiểu số có sự bứt phá trong thời gian tới. Và dĩ nhiên, công cuộc này đòi hỏi một sự đoàn kết nhất trí cao độ, như Tổng Bí thư đã nhiều lần nhắc “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đồng chí suy nghĩ gì về điều này?

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm: Để tổ chức thành công các Nghị quyết, đó vừa là mong muốn của đồng chí Tổng Bí thư, cũng là mong muốn của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh tư tưởng này, xác định là tư tưởng có thông, nhận thức có đúng thì mới tạo được động lực cho hành động. Có nghĩa là khi “Trên dưới đồng lòng dọc ngang thông suốt” thì khó mấy cũng thực hiện và vượt qua được. Đây là bài học, quan điểm nhưng cũng là bài học luôn luôn giá trị khi chúng ta phải thực hiện nhiệm vụ trong vai trò của mình. Tôi cho rằng đây là hiện thực khát vọng phát triển đất nước. Và đó cũng là bài học đã được Đảng ta đúc kết và xuyên suốt trong quá trình lịch sử, quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, đó là phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và quan điểm này đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kế thừa và nâng lên, làm cho nó hoàn thiện hơn trong bối cảnh hiện nay.

Tổng Bí thư cũng đã khẳng định trong các bài phát biểu của mình: Đại đoàn kết là nhân tố quyết định thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng nước ta. Bài học xuyên suốt về đại đoàn kết toàn dân tộc, đó chính là “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” là cơ sở của đại đoàn kết của giai đoạn hiện nay.

Khi Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết Vùng đều tổ chức các hội nghị chủ chốt toàn quốc để quán triệt và thông tin chương trình thực hiện và kế hoạch triển khai, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong quan điểm từng nội dung trong Nghị quyết và giải pháp phải thực hiện, các ưu tiên cần tập trung. Đây là thông điệp thống nhất từ Tổng Bí thư cho đến Bộ Chính trị, Trung ương cho đến toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân.

Qua đó, làm rõ hơn tính nhận thức, xác định trách nhiệm từng cán bộ đảng viên khi đặt mình vào trong vai trò của từng Vùng của cả nước, và từ đó nó tạo ra sự đồng bộ trong nhận thức, từ đó tạo ra sự đảm bảo cho “Dọc ngang thông suốt”. Khi trên dưới đã hiểu thì trên dưới sẽ đồng lòng. Và để tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện đúng quan điểm của Tổng Bí thư về thực hiện nguyên tắc Đại đoàn kết trong giai đoạn hiện nay.

Đây là vấn đề Đảng, Nhà nước và Tổng Bí thư đặc biệt quan tâm. Có thể khẳng định là trong thực hiện Nghị quyết 11 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng như thực hiện Nghị quyết 23 về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên, đồng chí Tổng Bí thư, Bộ Chính trị luôn luôn nhấn mạnh đến việc thực hiện phải căn cứ vào đặc điểm, tính phù hợp, nét văn hoá, truyền thống của từng vùng. Trong đó, phải lấy con người, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực này làm cơ sở để thúc đẩy. Vừa tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng về văn hoá, đồng thời cũng thúc đẩy đoàn kết thống nhất thủy chung nghĩa tình của các dân tộc Việt Nam, để làm sao các dân tộc thiểu số là thành viên trong ngôi nhà của các dân tộc Việt Nam, gắn kết với nhau, chia sẻ với nhau và nỗ lực đoàn kết với nhau để cùng xây dựng mục tiêu chung.             

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thanh Tâm

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC