Những triệu phú chân đất dưới chân núi Hoàng Liên
Thứ tư, 13:17, 20/11/2024 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Từ nguồn nước tự nhiên dồi dào, ổn định, phù hợp với cá nước lạnh, những năm gần đây, nhiều hộ đồng bào dân tộc Mông sinh sống dưới chân núi Hoàng Liên, thuộc địa bàn xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá nước lạnh. Nhờ áp dụng tốt khoa học kỹ thuật trong khâu nuôi trồng, chăm sóc, cộng với xuất bán thuận lợi với giá cả ổn định, nhiều hộ đã có thu nhập cao, trở thành triệu phú.

 

Từng là hộ nghèo của bản, trước đây, cuộc sống của 6 nhân khẩu trong gia đình anh Chang A Hảng, ở bản Chu Va 8, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) thường thiếu trước, hụt sau.

Nhờ người thân động viên, năm 2021, anh Hảng mạnh dạn vay 200 triệu đồng từ ngân hàng, cộng với ít tiền tích góp được, anh đã đào 2 ao với diện tích gần 200m2 để nuôi 3.000 con cá tầm. Hơn 3 năm kể từ khi xuất bán lứa cá đầu tiên, gia đình anh không chỉ thoát được nghèo mà còn trở thành hộ khá giả ở bản.

"Trước cuộc sống của gia đình tôi rất khó khăn, sau khi thấy có anh em ở Sa Pa họ đến thuê đất để nuôi cá nước lạnh nên tôi tìm hiểm, học hỏi. Thấy họ nuôi phát triển tốt gia đình cũng đầu tư, chọn cá tầm để nuôi và đến nay đã nuôi được 3 năm. Bây giờ kinh tế của gia đình đã có thu nhập cao hơn mấy năm trước. Tôi thấy nuôi loại cá này so với nuôi, trồng các con, cây khác có thu nhập được nhiều hơn. Tôi sẽ cố gắng để sau này mở rộng ao nuôi để phát triển nhiều hơn nữa', anh Chang A Hảng chia sẻ.

Với gia đình anh Hàng A Lảng, cùng bản Chu Va 8, giờ đây những ngày lo ăn từng bữa đã trở thành dĩ vãng. Sau chuyến học hỏi nghề nuôi cá nước lạnh ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) trở về, anh đã thế chấp toàn bộ tài sản của gia đình để bắt đầu với nghề nuôi cá tầm.

Sau hơn 2 năm nuôi trồng, đến nay gia đình anh đã có của ăn, của để, mua sắm được nhiều vật dụng đắt tiền. 

"Ra Sa Pa thấy có hộ gia đình họ nuôi cá nước lạnh từ 2 đến 3 năm đã mua được ô tô. Tôi về nhà nghiên cứu và mới mua đất ruộng của bà con gần suối để nuôi cá hồi, cá tầm và thấy rất là hiệu quả. Năm trước tôi đã đầu tư 3 ao, mỗi ao nuôi 1.000 con, đầu tư hết chi phí là 230 triệu, bán được 540 triệu. Như thế là cái nghề nuôi cá hồi, cá tầm này mà có vốn để đầu tư thì nuôi cũng rất là hiệu quả", anh Làng nói.

Bắt đầu nghề nuôi cá nước lạnh gần như mới nhất, chỉ từ 2 năm nay, nhưng gia đình anh Thào A Cháng ở bản Chu Va 12, xã Sơn Bình lại có thu nhập cao nhất bản nhờ mạnh dạn đầu tư lớn ngay từ đầu.

Theo anh Cháng, để nuôi được cá nước lạnh hiệu quả, đòi hỏi người nuôi phải am hiểu được đặc tính của từng loài để có chế độ ăn, cân bằng mực nước phù hợp với từng giai đoạn, lứa tuổi của cá. 

"Khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây thì gia đình tôi cũng học hỏi các hộ gia đình khác và chuyển đổi đất ruộng để nuôi cá nước lạnh. Hiện gia đình đang nuôi 5 bể, một năm cho thu hoạch khoảng 5 đến 6 tấn và bán ra thị trường khoảng hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí cũng được khoảng 300 đến 400 triệu/năm. Nhờ nghề nuôi cá nước lạnh này mà gia đình tôi đã khá giả hơn trước rất nhiều so với làm ruộng, làm nương", anh Cháng cho biết.

Khí hậu mát mẻ, nguồn nước trong lành là lợi thế để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh dưới chân núi Hoàng Liên ở huyện Tam Đường (Lai Châu). Đến nay, không chỉ các doanh nghiệp ở nơi khác đến thuê đất, đào ao nuôi cá nước lạnh, mà nhiều hộ đồng bào Mông ở địa phương đã lập nghiệp bằng nghề này. UBND huyện Tam Đường cũng đã rà soát, bổ sung quy hoạch vùng nuôi trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, với mục tiêu đưa cá nước lạnh trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương.

Ông Sùng Lử Páo, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Hiện trên địa bàn đã có 6 doanh nghiệp, HTX và gần 20 hộ gia đình ở các xã Sơn Bình, Bản Bo, Hồ Thầu và Tả Lẻng đang đầu tư nuôi cá tầm, cá hồi. Mỗi năm, các gia đình, HTX xuất ra thị trường khoảng 300 tấn cá thương phẩm. Với giá bán bình quân hiện nay từ 180.000 đến 200.000/kg, hàng năm đem lại doanh thu cho người nuôi gần 60 tỷ đồng.  

"Qua so sánh nắm lại việc phát triển kinh tế xã hội nói chung và một số cây có lợi thế nói riêng, thì thu nhập của các hộ gia đình nuôi cá nước lạnh cao hơn hẳn so với các hộ trồng cây trồng khác. Ở một số xã, nhất là xã Sơn Bình qua kiểm tra, những hộ gia đinh nuôi cá nước lạnh được 2 đến 3 năm nay đã có điều kiện để xây dựng nhà cửa và sắm sửa trang thiết bị, phương tiện đi lại, đảm bảo cho cuộc sống cũng như là việc tiếp tục nhân rộng nghề nuôi cá nước lạnh trên địa bàn", ông Páp cho biết.

Việc xuất hiện những triệu phú chân đất dưới chân núi Hoàng Liên là minh chứng sống động cho sự kiên trì, sáng tạo và bản lĩnh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao. Ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật kết hợp với sự tận tụy và nhạy bén trong sản xuất đã giúp họ vượt qua khó khăn để vươn lên, mở ra triển vọng phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp miền núi. Từ đó khẳng định rằng, dù ở bất kỳ đâu, với nghị lực và khát vọng làm giàu, người dân luôn có thể viết nên câu chuyện thành công của riêng mình./.

 

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC