Sau một ngày làm việc vất vả, nhưng đúng 19h hàng ngày, người dân ở bản Cà Là Pá, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé lại tập trung về điểm trường Cà Là Pá, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn tham gia lớp học đặc biệt - lớp xóa mù chữ. Đây là lớp học xóa mù chữ giai đoạn 2 năm, được khai giảng vào ngày 16/9 vừa qua, với 17 học viên, độ tuổi từ 22 đến 55.
Chị Vừ Thị Bầu, người dân bản Cà Là Pá chia sẻ, khi biết chuẩn bị có lớp xóa mù chữ mở tại điểm trưởng của bản, chị đã trao đổi và được chồng ủng hộ rất nhiệt tình, đồng thời động viên chị cố gắng theo học. Lần đầu tiên trong đời được cầm bút, viết được họ tên của mình chị Bầu rất phấn khởi.
"Khi tham gia lớp học, tôi cảm thấy thầy cô giáo dạy rất nhiệt tình, tôi rất thích học. Ban ngày tôi đi làm, tối về sau khi nấu cơm cho các con ăn xong thì tôi cùng các chị em trong bản lại rủ nhau đến lớp", chị Bầu cho biết thêm.
Biết cầm bút, biết viết tên mình và những thành viên trong gia đình… cũng là động lực, mong muốn đầu tiên của hầu hết những thành viên trong lớp học xóa mù chữ ở bản Cà Là Pá khi đến đây. Có lẽ vì vậy nên từ ngày mở lớp, không có buổi học nào vắng học viên, thậm chí còn có nhiều người trong bản đến để xin học nhờ.
Những đôi bàn tay đã chai sạn bởi chỉ quen với cầm cuốc nên lần đầu cầm bút còn vụng về, giờ nhiều người đã có thể ghi chép những câu văn, bài thơ, biết làm những phép tính cơ bản. Nhiều người dù đã ở tuổi ông bà, nhưng trước giờ đến lớp, họ đã tạm gác những bộn bề lo toan của cuộc sống hàng ngày để thỏa mong muốn được đọc, được viết.
"Khi biết đọc thì có thể đọc lịch sử dân tộc mình, thấy rất là hay và muốn học thêm nữa để biết nhiều kiến thức nữa", ông Vừ Nhịa Chông, người dân bản Cà Là Pá nói.
Thầy giáo Vũ Xuân Thi, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn, người được phân công trực tiếp giảng dạy lớp học xóa mù chữ ở bản Cà Là Pá cho biết: Sau khi có kế hoạch mở lớp, các thầy cô giáo tại điểm bản cùng trưởng bản đi vận động, tuyên truyền đến người dân. Được vận động, bà con tham gia rất tích cực, cố gắng sắp xếp thời gian, công việc gia đình để buổi tối đến lớp học từ thứ hai đến thứ sáu rất đầy đủ. Sau một thời gian học, bà con đã biết viết chữ, biết đọc nên ai cũng rất vui và hào hứng vì biết được lợi ích của việc biết đọc, biết viết.
"Các giáo viên cũng cố gắng sắp xếp công việc sao cho thuận lợi nhất để có thời gian dạy học cho bà con. Ai cũng coi đây là một niềm vui, niềm hạnh phúc của bản thân khi bà con đã biết chữ", thầy Thi cho biết.
Thực hiện chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2021 - 2025, huyện Mường Nhé sẽ mở 13 lớp xóa mù chữ với khoảng 250 học viên. Năm 2024, toàn huyện đã khai giảng 3 lớp xóa mù chữ ở các xã Pá Mỳ, Mường Toong và Leng Su Sìn với 60 học viên tham gia. Phấn đấu đến hết năm 2024, tỷ lệ dân số trong độ tuổi 15 – 60 biết chữ ở mức độ 2 đạt 91% trở lên, định hướng đến năm 2030 đạt hơn 93%.
Mục tiêu trước mắt là dạy cho người dân biết đọc, biết viết và tính toán cơ bản, để áp dụng kiến thức, khoa học kỹ thuật vào đời sống, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống, nâng cao trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn, nhất là các xã biên giới trên địa bàn.
Ông Phạm Thiết Chùy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết: "Ngành giáo dục địa phương đã phối hợp với nhiều lực lượng, tổ chức đoàn thể hỗ trợ cho các nhà trường. Đặc biệt là các đối tượng già làng, trưởng bản, người có uy tín để vận động người dân ra lớp"
Dù chặng đường xóa mù chữ cho đồng bào Mường Nhé còn lắm gian nan, nhưng những nỗ lực không ngừng nghỉ của địa phương đã và đang mang lại những thành quả đáng khích lệ. Những nét chữ đầu đời trên trang vở là minh chứng cho sự thay đổi tích cực của vùng đất biên giới này, nơi mà kiến thức sẽ giúp đồng bào có thêm sức mạnh để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống./.
Viết bình luận