Quảng Nam: Xanh lại những cánh rừng
Thứ tư, 08:31, 16/10/2024 Thanh Hà/VOV miền Trung Thanh Hà/VOV miền Trung
VOV4.VOV.VN - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII xác định, đến năm 2025, Quảng Nam phải đạt độ che phủ rừng 61%. Các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh nỗ lực triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 về “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân". Đây là Tiểu dự án thuộc Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”.

 

Mặc cho nắng nóng hay mưa dầm, các tổ tuần tra bảo vệ rừng thôn Pà Ong, thôn Rô, thôn Ngói, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng đều đặn tuần tra, kiểm soát bảo vệ những cánh rừng xanh. Mỗi thành viên còn tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý nghĩa, tầm quan trọng, các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Già làng Doãn Bên, cụm dân cư Pà Dồn, thôn Pà Ong, xã Cà Dy cho biết, mỗi năm tổ Cộng đồng của ông được nhận định mức hỗ trợ bảo vệ rừng 400 nghìn đồng/ha và phát triển rừng khoảng 10 triệu đồng/ha. Già làng Doãn Bên nói, đây là nguồn động lực để đồng bào dân tộc Cơ Tu nơi đây gắn bó với công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tích cực ngăn chặn các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp khu vực rừng C5, xã Cà Dy.

Năm nay, xã cà Dy được phân bổ 7 tỷ đồng, trong đó có 4 tỷ đồng giao khoán bảo vệ rừng, 3 tỷ đồng từ hỗ trợ gạo. Hàng tháng, hàng quý, xã rút tiền về cấp phát cho đội ngũ bảo vệ rừng. Việc triển khai bảo vệ rừng gắn với sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số đã mở ra hướng đi mới, vừa góp phần vào việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vừa hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. UBND xã Cà Dy đã thành lập 6 chốt bảo vệ rừng gồm 200 người ở 4 thôn và 2 chốt của xã.

“Đối với bảo vệ và giao khoán rừng, hiện nay, xã Cà Dy đang nhận giao khoán bảo vệ 14.435 ha, rất là lớn, chiếm hơn một nửa diện tích của xã. Xã thường xuyên tuần tra truy quét, từ tháng 7/2023 đến nay, không phát sinh mới vị việc nào liên quan đến việc người dân khai thác, chiếm rừng trái phép nữa, giảm đáng kể so với trước đây. Trước đây bà con sống dựa vào rừng nhiều, bây giờ bà con tham gia bảo vệ rất tích cực. Đến bây giờ đạt được kết quả như vậy rất đáng mừng. Chi cụ Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm huyện cũng ghi nhận và đánh giá cao”, ông Nguyễn Văn Phi, Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho biết.

Trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đây là một lĩnh vực quan trọng, đa mục tiêu, vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là dư địa để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đây cũng là nội dung Tiểu dự án 1, thuộc Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Nội dung tiểu dự án này là: Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu của Tiểu dự án là tạo việc làm, thu nhập cho người dân làm nghề rừng; hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Ông Phan Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Mỹ, huyện miền núi cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2023, UBND thị trấn Thạnh Mỹ được giao nhiệm vụ quản lý Bảo vệ rừng theo Tiểu dự án này. Trên cơ sở đó, UBND thị trấn Thạnh Mỹ ký hợp đồng với các nhóm bảo vệ rừng với tổng diện tích 7.400 ha. Các tổ dân phố chia thành 2 đến 4 nhóm, thường xuyên tuần tra trong khu vực tiểu khu quản lý bảo vệ rừng. Các thành viên trong nhóm đi đến đâu ghi hình, ghi ảnh và có tọa độ gửi về định vị nhóm quản lý bảo vệ rừng đang hoạt động. Các tổ này thực hiện theo danh sách lịch tuần tra cũng như làm thủ tục biên bản và thủ tục hồ sơ để chấm công trong công tác chi trả dịch vụ quản lý bảo vệ rừng cuối năm. Hiện nay UBND thị trấn Thạnh Mỹ đã thanh toán chi trả tiền quản lý bảo vệ rừng 6 tháng đầu năm 2024 cho các nhóm cộng đồng bảo vệ rừng. Mỗi tổ dân phố nhận quản lý từ 1.000 ha đến 1400 ha tùy điều kiện. Bảo vệ mỗi héc ta, người nhận bảo vệ được chi trả 400 ngàn đồng từ Tiểu dự án 1, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ thêm 200.000/ha (theo Nghị quyết 22 của HĐ ND tỉnh).

“Tùy theo diện tích, cuối năm mỗi hộ nhận từ 5 -6 triệu đồng, có nhóm từ 7 triệu đến 8 triệu đồng. Trước đây khai thác vận chuyển lâm sản ở địa phương rất nhiều, từ khi có chính sách đó,, bà con nhân dân có trâu bò bán hết rồi, hiện nay tập trung trong công tác quản lý bảo vệ rừng cũng ổn không còn tình trạng phá rừng như xưa bà con quản lý chặt chẽ”, ông Phan Văn Bình cho biết thêm.

Giai đoạn 2022 - 2024, trên cơ sở đăng ký khối lượng của các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã phân bổ hơn 189 tỷ đồng để thực hiện Tiểu dự án “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Về kết quả giải ngân, năm 2024, tỉnh Quảng Nam ước giải ngân hơn 33,6 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch vốn giao. Khả năng các địa phương đăng ký hạng mục khoán bảo vệ rừng và bảo vệ rừng giải ngân được 100%. Hai hạng mục của Tiểu dự án 1 “Phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân” là khoán bảo vệ rừng và bảo vệ rừng được thực hiện thuận lợi.

Ông Trần Út, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho rằng, để đạt cam kết giải ngân 50% vào cuối năm 2024, các địa phương cấp huyện chỉ đạo UBND các xã làm chủ đầu tư đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thấy được lợi ích trồng rừng, phục hồi rừng, từ đó đăng ký tham gia.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII xác định, đến năm 2025, Quảng Nam phải đạt độ che phủ rừng 61%. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023 mới đạt gần 59%. Nguyên nhân là nhiều diện tích rừng bị mất do bão lũ, sạt lở năm 2020 chưa khôi phục được. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, đến năm 2025 tỷ lệ che phủ dự kiến mới đạt 59,5%. Muốn đạt được độ che phủ rừng theo kế hoạch, mỗi năm tỉnh Quảng Nam phải trồng 3.000ha rừng. Nếu Quảng Nam thực hiện đạt được chỉ tiêu của Tiểu dự án 1 hơn 3.300ha sẽ góp phần vào việc hoàn thành chỉ tiêu che phủ rừng như Nghị quyết của Tỉnh ủy đề ra.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: "Tỉnh có nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ che phủ rừng, trong đó phải nâng cao đời sống người dân. Để làm được việc này, tôi nghĩ thời gian tới, tỉnh Quảng Nam đã đặt ra nhiều chương trình, kế hoạch. Trước hết là phải triển khai thực hiện thật tốt chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, đời sống bà con khá lên, nhất là tỷ lệ hộ nghèo phải được giảm bền vững. Đời sống vật chất tinh thần của bà con miền núi thật sự phát triển mạnh hơn”./.

Thanh Hà/VOV miền Trung

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC