“Quốc bảo” nảy mầm trên rẻo cao Sơn La
Thứ ba, 09:55, 09/01/2024 Lê Hạnh/VOV Tây Bắc Lê Hạnh/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Nảy mầm trên thảm thực vật phong phú, tầng đất màu mỡ và khí hậu mát lạnh ở Sơn La, “quốc bảo” Sâm Ngọc Linh nay đã trở thành “sinh kế” với những sản phẩm có thương hiệu, có giá trị trên rẻo cao Tây Bắc.

 

Ở độ cao khoảng 1.700m so với mặt nước biển, bản Sam Ta, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, Sơn La là nơi những cây sâm Ngọc Linh đang vươn mình sinh trưởng. Những mầm xanh mơn mởn, hay những củ sâm “có tuổi” đang được các công nhân lao động chăm sóc, che chắn cẩn thận... "Cây mới" này là sản phẩm tâm huyết suốt gần 20 năm qua của ông Nguyễn Chí Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Thành Long, ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn (Sơn La).

Nhớ lại hành trình đưa “quốc bảo” của Việt Nam về trồng trên đất Sơn La, ông Long chia sẻ: Năm 2005, trong thời gian công tác ở Quảng Nam, thấy người dân bán sâm Ngọc Linh, nên ông đã mua về cho bản thân và gia đình dùng thử. Thấy giá trị đặc biệt của sâm, ông Long đã ấp ủ hi vọng đưa loại dược liệu quý này về trồng ở Sơn La.

Nhiều năm sau đó, ông Nguyễn Chí Long đã lang thang khắp các cánh rừng trồng sâm Ngọc Linh ở Quảng Nam để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Và rồi, những hạt giống, cây giống từ 1 đến 3 năm tuổi đã theo chân ông đến khắp các cánh rừng già thuộc các xã vùng cao của Sơn La...

"Năm 2009, tôi mới bắt đầu đưa sâm về trồng trong các rừng, chỗ thì 50 cây, chỗ thì vài trăm cây đến nghìn cây. Đến năm 2013 mang đi phân tích thử thấy sâm có đầy đủ hoạt chất, thế là biết cây sâm đã sống, tồn tại được trên đất Sơn La..." - Ông Nguyễn Chí Long nói.

Giờ đây, trên rẻo cao này đã có 1ha Sâm Ngọc Linh đang sinh trưởng và phát triển. Cùng với sâm Ngọc Linh tươi, Công ty đã sản xuất 3 sản phẩm là cao sâm, rượu sâm và rượu cao sâm. Đây đều là các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh Sơn La và đang trên hành trình hướng đến OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Từ ngày “quốc bảo” bén rễ ở bản Sam Ta, xã Chiềng Chung cho đến khi trở thành những sản phẩm thương hiệu có giá trị, bà con nơi đây có thêm nhiều niềm vui.

Anh Sồng A Tráng, người dân bản Sam Ta, cũng là người trực tiếp tham gia trồng và chăm sóc cây sâm Ngọc Linh chia sẻ: "Hoàn cảnh gia đình tôi cũng khó khăn, từ lúc bác Long đưa sâm Ngọc Linh vào trồng ở Sam Ta thì tôi cũng được vào đây làm, hướng dẫn kinh nghiệm chăm sóc; từ đó kinh tế, cuộc sống gia đình ổn hơn, đủ ăn, đủ mặc cho cả nhà".

Với phương pháp gieo giống bằng hạt có tỷ lệ nảy mầm 100%, tháng 7/2022, sâm giống Ngọc Linh Sơn La được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng, thời gian bảo hộ 20 năm. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã cho phép lưu hành giống sâm Ngọc Linh của Sơn La tại các tỉnh phía Bắc.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Tú, Trưởng khoa Kỹ thuật thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học Sự sống – Trường Đại học Bách khoa đánh giá: "Sâm Việt Nam trồng tại Sơn La hội tụ rất nhiều ưu điểm, thế mạnh của dược liệu, mang đặc thù của quốc gia, có khả năng bồi bổ sức khỏe và một điều mà không có dược liệu nào, không có thực phẩm nào có thể đạt được, đó là hiệu quả tức thời của nó với sức khỏe, đây là yếu tố rất quan trọng. Có thể nói mô hình này là một mô hình thành công".

Tiếp tục ươm mầm, nhân rộng Sâm Ngọc Linh trên đất Sơn La, góp phần giúp bà con xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống, làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương... Đó là những mong ước của những người mang “quốc bảo” về rẻo cao, cũng như của cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi đây.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La chia sẻ: "Tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan nhà nước phải đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng bà con mở rộng vùng phát triển cây sâm theo hướng nghiên cứu, phù hợp về thổ nhưỡng, khí hậu, để làm sao có những mô hình trồng sâm tốt hơn, nhân rộng hơn, bà con nâng cao thu nhập. Phát triển được cây sâm này, đánh giá được nó rồi thì phải xây dựng thương hiệu sản phẩm; và chúng tôi đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rất muốn sản phẩm này trở thành sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia của năm 2024. Cùng với đó là nghiên cứu, liên kết với những đơn vị lớn của quốc gia, để có những định hướng, giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển cây sâm".

Lê Hạnh/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC