Tình trạng lừa đảo qua cuộc gọi ở Yên Bái tiếp tục nóng
Thứ sáu, 11:36, 08/09/2023 Thừa Xuân/VOV Tây Bắc Thừa Xuân/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Thời gian gần đây, nhiều người dân ở Yên Bái tiếp tục nhận được các cuộc gọi từ các đối tượng tự xưng là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án.. thông báo, đe dọa liên quan đến các vụ án kinh tế, ma túy, rửa tiền… sau đó bắt người dân thực hiện theo các yêu cầu, gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân.

 

Vào ngày 23/8 vừa qua, bà Nguyễn Thị Huệ, ở tổ 5, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một người giọng miền Nam, xưng là người của Tòa án thông báo cho gia đình bà biết có một việc rất quan trọng, hiện đơn đang gửi đến Bộ Công an.

Dù bà Huệ đã được tuyên truyền, phổ biến nhiều về các hình thức lừa đảo qua mạng, nhưng vẫn giật mình vì đối tượng gọi đến nói rõ họ tên, bà tắt vội máy rồi điện cho Trưởng công an thị trấn.

"Người gọi lại còn biết rõ họ tên, đề nghị với bà đúng 2 giờ chiều mai phải có mặt ở trụ sở Công an để giải quyết một đơn kiện rất quan trọng, thế là tôi giật mình. Tôi nghĩ nhà mình không làm gì đến mức phải kiện cáo cả, sau đó tôi điện báo công an luôn." - Bà Nguyễn Thị Huệ cho biết.

Mấy tháng qua, bà Hòa, một cán bộ hưu trí ở tổ 3, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cũng liên tục nhận được cuộc gọi từ các số máy lạ xưng là lực lượng chức năng thông báo cho bà biết là bà có liên quan đến một số vụ việc như: vi phạm Luật giao thông; buôn bán vật tư y tế; có đơn khởi kiện ở Tòa án Hà Nội; dự nợ vay quá hạn, liên quan đến các tổ chức tội phạm…Theo đó thúc giục bà Hòa thực hiện theo các yêu cầu của chúng, nếu không sẽ bị xử lý hình sự. Dù bà Hòa có giải thích lại không liên quan, không biết gì nhưng chúng lại đọc đúng một số thông tin cá nhân khiến bà lo lắng, hoang mang.

"Bọn nó nói là bà họ tên là như thế này, ngày tháng năm sinh như thế này, số chứng minh thư thế này…tôi bảo đúng rồi. Thế nó bảo là bà vi phạm phải giải quyết ngay, chúng cháu sẽ hướng dẫn cô. Nghe giọng rất là bức bách, rất sốt ruột như là phải giải quyết ngay lập tức. Tôi bảo cô không làm gì đâu, bọn nó nói luôn là tại sao lại không làm? Có số điện thoại, chứng minh thư như này, cả địa chỉ nhà rõ ràng mà sao lại bảo không làm." Bà Hòa kể lại sự việc.

Không may mắn như bà Hòa và bà Huệ, khi nghe cuộc gọi từ số máy lạ tự xưng là công an, sau đó bà Nga đã mất tất cả số tiền tích cóp nhiền năm.

Bà Nga cho biết, chúng thông báo số tài khoản ngân hàng mà bà đang sử dụng có liên quan đến đường dây tội phạm đang được Bộ Công an đấu tranh triệt phá, bà phải phối hợp cùng và giữ bí mật việc này, nếu không sẽ bị bỏ tù 3 đến 7 năm và ảnh hưởng đến cả các con bà. Do tưởng thật nên bà làm theo yêu cầu của chúng.

Sau 2 ngày trao đổi, làm theo hướng dẫn qua zalo từ 8 giờ sáng đến gần 17 giờ chiều (thời điểm con cái ra khỏi nhà) với nhóm đối tượng trong trang phục Công an, bà đã ra ngân hàng rút toàn bộ số tiền tích cóp bao năm, cùng với đó là bán đôi bông tai 7 chỉ vàng được tổng số tiền hơn 180 triệu để chuyển vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo.

Chưa dừng lại việc lừa bà Nga gửi hết số tiền và tài sản tích cóp, qua hình ảnh zalo chúng thấy ngôi nhà có giá trị, chúng lừa bà Nga bán nốt nhà để chuyển tiền cho chúng xác minh.

Nắm bắt được thông tin, lực lượng Công an thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái lập tức tiếp cận, gặp gỡ, giải thích cho bà Nga biết đây là đối tượng lừa đảo, tuyệt đối không cung cấp thông tin và làm theo yêu cầu chúng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, điểm chung người dân thị trấn Mậu A bị các đối tượng lừa đảo gọi đến thời gian qua là đều bị các đối tượng có chút ít thông tin hoặc nắm tương đối đầy đủ thông tin cá nhân, chủ yếu là nhằm vào người già và phụ nữ.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Hợp, Trưởng Công an thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, thời gian qua, đơn vị thường xuyên tổ chức tuyên truyền đến người dân về việc nâng cao cảnh giác với các hình thức lừa đảo. Do vậy, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiếp nhận hàng chục cuộc gọi của người dân đến trình báo, phàn nàn về việc bị các đối tượng mạo danh các tổ chức, cơ quan Nhà nước đe dọa, ép buộc người dân thực hiện theo các yêu cầu của bọn chúng. Lực lượng chức năng cũng đã kịp thời cảnh báo và ngăn chặn nhiều vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trước khi xảy ra:

"Trước hết Công an thị trấn tuyên truyền bằng các hình thức truyền thống như là in phát tờ rơi đến từng hộ gia đình, từng người dân, nhất là người già, trẻ em. Cùng với đó là tuyên truyền qua các mạng xã hội như là Facebook, Zalo…Công an thị trấn cũng đã thành lập hơn 200 nhóm Zalo do Công an thị trấn quản lý để tuyên truyền và cập nhật những phương thức, thủ đoạn mới nhất của loại tội phạm này để người dân biết và nâng cao cảnh giác." - Đại úy Nguyễn Văn Hợp cho biết thêm.

Bên cạnh những phương thức, thủ đoạn lừa đảo cũ, hiện cũng xuất hiện nhiều thủ đoạn tinh vi mới như giả giọng, giả hình ảnh cá nhân... Để tránh bị lừa đảo, mỗi người dân cần luôn đề cao cảnh giác, không vội vàng nghe, tin và làm theo bất cứ yêu cầu nào, nhất là qua điện thoại, cuộc gọi từ zalo, facebook. Nếu có nghi ngờ cần báo ngay đến cơ quan chức năng và chia sẻ với người xung quanh để nhận biết, cùng với đó nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, gia đình và người thân./.

Thừa Xuân/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC