Xuân tuần tra nơi biên giới Lai Châu
Thứ sáu, 07:55, 24/01/2025 Khắc Kiên/VOV Tây Bắc Khắc Kiên/VOV Tây Bắc
VOV4 - Mùa xuân là thời điểm đất trời chuyển mình, cây cối đâm chồi nảy lộc. Đây cũng là lúc những chiến sĩ biên phòng Lai Châu tiếp tục chuẩn bị cho những nhiệm vụ quan trọng, trong đó có công tác tuần tra biên giới, giữ vững sự bình yên cho nhân dân.

Nằm ở khu vực Tây Bắc, giáp biên giới với Trung Quốc, Lai Châu có địa hình hiểm trở với nhiều đồi núi, khe suối. Mùa đông thường có mưa phùn, với những con đường trơn trượt và khí hậu khắc nghiệt, vì vậy công tác tuần tra của những người lính biên phòng trở nên gian nan hơn bao giờ hết. 

Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng - đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài gần 14km thuộc xã Ma Ly Pho, với 3 cột mốc và 1 cặp cửa khẩu song phương Ma Lù Thàng (tỉnh Lai Châu, Việt Nam) - Kim Thuỷ Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). Cách đây hơn 40 năm, xã Ma Ly Pho cũng chính là địa điểm ác liệt nhất trên mặt trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 ở Lai Châu. Vì vậy, mỗi chuyến tuần tra đường biên, mốc giới trước khi lên đường làm nhiệm vụ các cán bộ, chiến sĩ biên phòng nơi đây đều tới Nhà bia tưởng các Anh hùng Liệt sỹ để thắp hương “đi báo việc, về báo công”.

Thượng tá Vàng A Lầu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng chia sẻ: "Nhà bia xã Ma Ly Pho có 33 Anh hùng Liệt sỹ, trong đó có 22 liệt sỹ là công an vũ trang là bộ đội biên phòng ngày nay, trực tiếp chiến đấu và hy sinh vào ngày 17/2/1979. Còn các liệt sỹ khác là hy sinh trong qúa trình chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ đó đến ngày nay. Nhà bia có ý nghĩa đặc biệt để giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc ở khu vực biên giới, để cùng đồng lòng, chung sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc."

Mỗi chuyến tuần tra của các chiến sĩ biên phòng Ma Lù Thàng đều vượt qua những đèo cao, suối sâu, nhưng các chiến sĩ luôn mang trong mình tinh thần trách nhiệm không chỉ bảo vệ an ninh biên giới mà còn là những người gắn bó mật thiết với người dân địa phương, giúp đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xoá đói nghèo.

Sau gần 1 giờ hành quân trên con đường tuần tra, bản Hùng Pèng, xã Ma Ly Pho hiện ra là những ngôi nhà trệt xây kiên cố của đồng bào Dao. Đoạn suối Pa Nậm Cúm chảy qua bản Hùng Pèng cũng là mốc giới phân định giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tại đây có thể quan sát rõ cột mốc đôi số 67(1) và 67(2) tại sân nhà người dân. 

Trung tá Nguyễn Hoàng Xuyên, cán bộ phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Ma Lù Thàng chia sẻ: "Trước kia, khu vực này vẫn còn hoang sơ lắm. Thời điểm đấy đường biên giới chưa mở, rất hoang sơ. Ngày xưa bản Hùng Pèng chưa có, chỉ có bản Ma Ly Pho ở trên kia vẫn còn cách xa biên giới. Bà con chỉ đến đây khai thác, khai hoang những thửa ruộng nước, bậc thang lúa, làm nương phải làm trên cao. Từ năm 2004 có chính sách di dân ra biên giới thì lúc đấy xã Ma Ly Pho này mới đưa một số bản cắt ra, mỗi bản 5 đến 6 hộ ra đây thành lập một bản mới là bản Hùng Pèng."

Hôm nay là ngày đến phiên kiểm tra cột mốc của gia đình Trưởng bản, kiêm Bí thư chi bộ bản Hùng Pèng Lý Dâu Phùng, nhưng do trùng với ngày tuần tra của các cán bộ, chiến sỹ biên phòng và tổ tự quản, nên mọi người đã cùng chung tay chăm sóc cột mốc đặc biệt của cả bản.

Ông Lý Dâu Phùng chia sẻ: "Trong bản Hùng Pèng này bà con tự nguyện bảo vệ cột mốc, cũng là bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Bà con tự nguyện và luân phiên theo gia đình và hàng tuần thay nhau dọn dẹp và phát quang đường biên mốc giới này; bảo vệ đất vườn của gia đình; đồng thời là cột mốc đặc biệt nhất của bản. Đặc biệt, người Trung Quốc sang bên này không có, đối tượng vượt biên sang Trung Quốc cũng không có, từ đó người dân yên tâm sản xuất phát triển kinh tế."

Sau gần 20 năm thành lập bản, đến nay Hùng Pèng đã có gần 40 hộ dân, với 250 nhân khẩu. Nhờ cần cù chịu khó làm ăn, bà con đã có “của ăn của để”, nhiều ngôi nhà mới khang trang, kiên cố cũng đang được xây dựng, nhưng cột mốc số 67(2) vẫn là địa điểm gần gũi, gắn bó với mỗi bà con và được coi như “báu vật” của cả bản.

Ông Tẩn Vần Phủ, người dân bản Hùng Pèng nói: "Bình thường chiều thứ bảy, chủ nhật các cụ già hay đến đây đọc báo và các cháu đến vui chơi để giải trí. Có cột mốc rồi có biên phòng, có Đảng và nhà nước ở đây thì thấy sinh hoạt làm ăn rất yên ổn, ấm no vui vẻ, các cháu được học tập. Thấy quý giá là ở đấy, đất của mình mà, nên bà con phải cố gắng giữ gìn, để cùng bảo vệ cho Tổ quốc mình."

Lai Châu hiện quản lý hơn 265km đường biên, với 101 mốc giới, trong đó có mốc giới đặc biệt nằm trên đỉnh núi cao gần 2.900m và phần lớn đường biên, mốc giới nằm dọc các dãy núi cao, hiểm trở nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.

Xuân về trên đất Lai Châu - mảnh đất biên cương đầy gian khó nhưng cũng không thiếu những vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên và tinh thần quật cường của con người nơi đây. Trong không khí rộn ràng, phấn khởi đón tết Nguyên Đán, những người lính biên phòng vẫn ngày đêm tuần tra bảo vệ vững chắc biên giới, giữ gìn an ninh trật tự nơi vùng biên viễn, để mỗi mùa xuân đến, cuộc sống của đồng bào các dân tộc thêm ấm no, an lành./.

Khắc Kiên/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC