Đã từ lâu, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cộng đồng người Chăm An Giang lại tổ chức nhiều hoạt động vui chơi giải trí, văn hóa, văn nghệ…để cùng đồng bào cả nước đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Ông Hakem Aman, Giáo cả thánh đường Salaymal, ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chia sẻ, những ngày cận tết, cả xóm nhộn nhịp hẳn lên. Những người con đi làm ăn xa về quê để tề tựu bên nhau trong những bữa cơm chiều cuối năm.
Dịp Tết Nguyên Đán cũng là mùa lễ cưới của đồng bào Chăm nên không khí càng nhộn nhịp hơn. Vào những ngày Tết, ông Hakem Aman thường tổ chức đi thăm hỏi chính quyền, bà con hàng xóm người Kinh để thắt chặt tình làng nghĩa xóm.
Đồng bào Chăm An Giang có khoảng 17.000 người, tất cả đều theo đạo Hồi giáo Islam. Họ sinh sống chủ yếu ở huyện An Phú và thị xã Tân Châu. Những năm qua, cộng đồng người Chăm luôn gắn bó với các dân tộc khác trên địa bàn tỉnh An Giang cùng xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Đời sống của người Chăm cũng ngày càng được cải thiện.
Tết Nguyên Đán tuy không phải là Tết chính thức của người Chăm, nhưng mỗi bận Tết đến Xuân về, khi mai vàng thi nhau khoe sắc, ở các làng Chăm của An Giang cũng rộn ràng không khí đón Xuân sang với nhiều hoạt động ý nghĩa, thắm tình đoàn kết.
Dịp Tết Nguyên Đán Giáp Thìn này, tại xã thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chính quyền và người dân đã tổ chức khai trương “Chợ quê làng Chăm Đa Phước” để phục vụ người dân đến mua sắm Tết và thưởng thức những món ăn, những đặc sản của đồng bào Chăm.
Anh Abdul Alim, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang chia sẻ: “Chợ quê làng Chăm Đa Phước nhằm quảng bá các ẩm thực truyền thống của đồng bào Chăm, những món ăn dân giã mang đậm hương vị sông nước miền Tây Nam Bộ. Chợ quê sẽ là điểm thu hút khách trong và ngoài nước đến với làng Chăm Đa Phước. Cũng là cơ hội để các hộ kinh doanh thêm thu nhập, góp phần ổn định cuộc sống người dân tộc Chăm Đa Phước”.
Người Hoa tại An Giang có khoảng hơn 20.000 người. Đa số làm nghề buôn bán nên đa số tập trung sinh sống ở thành thị nhiều hơn nông thôn, nhất là thành phố Long Xuyên, thành phố Châu Đốc. Đây là 2 địa phương có đầu mối giao thương lớn nhất tỉnh.
Cũng như các dân tộc khác trên khắp cả nước, khi mùa xuân mới lại về trên khắp dải đất hình chữ S, nắng xuân ấm áp, hoa xuân nở rộ, len lỏi đến từng ngôi nhà, góc phố, đường quê. Cộng đồng người Hoa nơi đây cũng chuẩn bị đón Tết cổ truyền với không khí nồng ấm, rực rỡ sắc đỏ của lồng đèn câu liễn, của tiếng trống lân đì đùng nao nức lòng người; nhất là hương vị của những món bánh độc đáo do người Hoa ở đây tự chế biến như: Bánh củ cải, bánh lá liễu, bánh hẹ, bánh bò Tiều, chè mè đen...
Ông Thái Vĩ Minh, cộng đồng người Hoa tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang chia sẻ, người Hoa cũng “đưa ông Táo về trời” vào ngày 23 tháng Chạp. Lễ vật tùy điều kiện từng gia đình. Cộng đồng người Hoa ở Châu Đốc cùng tề tựu tại Quan Đế miếu cúng cầu an trong năm mới.
Tết cũng là dịp để mọi người cùng nhìn lại những điều đã làm được trong năm và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống cho bản thân và gia đình.
Huyện Tri Tôn là một trong 5 địa phương biên giới của tỉnh An Giang, lại là huyện miền núi, và cũng là một trong 2 địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm khoảng 40% dân số của huyện. Trong đó, xã Châu Lăng không chỉ có đông đồng bào Khmer sinh sống, mà còn là xã khó khăn nhất của huyện.
Thời gian qua, nhất là năm 2023, mặc dù điều kiện còn khó khăn, nhưng người dân nơi đây không chỉ nỗ lực lao động, sản xuất, vươn lên làm giàu cho chính gia đình mình, bà con Khmer trong xã Châu Lăng còn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong sản xuất, cải thiện thu nhập đáng kể.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi và hỗ trợ giúp nhau giảm nghèo ở xã Châu Lăng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, khơi gợi trong mỗi gia đình hội viên ý chí vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Đón xuân này trong sự đổi thay của quê hương, ông Chau Mós, một người dân Khmer, xã Châu Lăng chia sẻ. “Người dân chúng tôi, cũng như các ông sãi trong chùa… cũng mừng nhiều, vì lúc trước dân trong này đi lại rất khó khăn, vận chuyển các sản phẩm cũng khó, trong này vận chuyển không rẻ, phải đi ra ngoài kia một chút. Bây giờ có con đường, người dân chúng tôi an tam lo lao động sản xuất không có gì khó”.
Đối với đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và đối với An Giang nói riêng, mặc dù trong một năm cũng có nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa đặc trưng của dân tộc, như: Chol Chnam Thmay, Sen Dolta, Ooc Om Boc, tuy nhiên, Tết Nguyên Đán vẫn có vị trí quan trọng trong đời sống, tinh thần.
Trong tâm thức của của mỗi người dân Khmer, đây là ngày hội lớn thể hiện sự đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc anh em trên địa An Giang nói riêng và trên khắp mọi miền đất nước nói chung.
Ông Trần Minh Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Tri Tôn cho biết, cũng như các địa phương khác trong tỉnh, thời gian qua, với sự chung tay của cả hệ thống chính trị, sự quyết tâm thoát nghèo của bà con vùng đồng bào dân tộc, đã giúp kinh tế vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện ngày một phát triển; đời sống bà con dân tộc ngày một tốt hơn; qua đó, góp phần huyện Tri Tôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc Khmer; giữ gìn tốt khối đại đoàn kết dân tộc tại đại phương.
Dịp Tết Nguyên Đán này, địa phương đã trao gần 15.500 phần quà, với tổng số tiền là hơn 5,5 tỷ đồng cho các hộ nghèo, cận nghèo vui Xuân, đón Tết.
Trời đã sang Xuân, những cánh mai vàng chớm nở, cộng đồng bốn dân tộc anh em: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer trên vùng biên giới của tỉnh An Giang nơi đây cùng nhau đón một mùa xuân mới.
Viết bình luận