Trong không khí bận rộn những ngày cuối năm, thương hiệu cà phê Miss EDE ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã có chuyến hàng thành phẩm đầu tiên xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Đó là 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm đóng gói tại Việt Nam, nhập khẩu bởi doanh nghiệp ở tiểu bang Illinois, phân phối trên hệ thống siêu thị địa phương. Bà Trần Phương Linh, đại diện nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, để có được chuyến hàng này, 2 bên đã mất gần nửa năm trao đổi, bàn bạc và thống nhất ký kết hợp tác. Cũng theo bà Trần Phương Linh, việc đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu không hề dễ dàng và đòi hỏi sự kiên nhẫn, Miss EDE đã làm tốt điều này.
''Chúng tôi tin rằng mối quan hệ hợp tác lần này sẽ không chỉ dừng lại ở hiện tại mà còn phát triển trong tương lai. Trong thời gian tới, chúng tôi cam kết đồng hành cùng Miss EDE trong việc cải tiến sản phẩm và mở rộng quy mô khách hàng, vươn tầm quốc tế”.
|
Năm 2024, Đắk Lắk xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD với đóng góp lớn của các loại nông sản, với nhiều doanh nghiệp mới, mặt hàng mới lần đầu được xuất khẩu chính ngạch. Ngay từ đầu năm, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Nutri Soil (thành phố Buôn Ma Thuột) đã xuất khẩu lô mac ca Đắk Lắk đầu tiên sang Hàn Quốc, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm ở huyện M’Drắk xuất khẩu chuối, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Yến sào Thành Dung (Krông Pắk) xuất khẩu lô tổ yến…. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã có hàng chục mặt hàng nông sản được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhiều sản phẩm nông sản chế biến sâu như yến sào, hạt mắc ca đã được các nhà phân phối của Hàn Quốc, Trung Quốc đưa vào các kênh bán hàng trong nước.
Đóng góp lớn nhất vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh trong năm qua vẫn là các mặt hàng thế mạnh như cà phê hồ tiêu sầu riêng cao su với các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm. Như Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 (Simexco) Đắk Lắk, đã có khoảng 125 nghìn tấn cà phê được xuất khẩu đến 89 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc công ty chia sẻ, chỉ trong 10 tháng năm 2024 công ty đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu USD. Ông Huy đánh giá, những mặt hàng giá trị của Tây Nguyên rất nhiều. Simexco cũng gắn kết chủ lực với 2 mặt hàng chính là cà phê và hồ tiêu, và nhu cầu tiêu thụ 2 mặt hàng này trên thế giới tốt hơn. Cũng theo ông Huy, thời gian gần đây chúng ta biết làm thương hiệu và nâng cao chất lượng thì giá trị được nâng cao thêm.
“Thời gian tới thì chúng tôi sẽ tiếp tục có các cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngày càng đầu tư tốt hơn công nghệ về vốn, về quảng bá các sản phẩm, để các sản phẩm chế biến sâu ngày càng xâm nhập được vào các thị trường lớn trên thế giới”.
|
Ông Lưu Văn Khôi, Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk cho biết, xuất khẩu nông sản chế biến sâu là mục tiêu của tỉnh nhằm nâng cao giá trị và chất lượng nông sản địa phương. Hiện nay, các mặt hàng nông sản chế biến của Đắk Lắk đã vươn đến hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhiều mặt hàng có giá trị xuất khẩu và năng lực cạnh tranh tốt. Toàn tỉnh hiện có trên 520 cơ
sở chế biến sản phẩm nông sản, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như cà phê, mắc ca, ca cao, điều, gạo, sơ chế trái cây tươi, trái cây sấy, trái cây đông lạnh… Để đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,7 tỷ USD trong năm 2025 này, tỉnh đã xây dựng kế hoạch với các giải pháp cụ thể, thiết thực.
Bước sang năm mới với những mục tiêu và kỳ vọng mới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ đặt ra trong năm và cả giai đoạn. Với những kết quả ấn tượng trong năm qua, chính quyền và người dân địa phương đang phấn khởi đón chào một mùa xuân mới với những niềm tin, khát vọng mới./.
Viết bình luận