Các ca nhập viện do ngã từ cây hồi trong khi thu hoạch quả gia tăng. Ảnh: Sỹ Khánh
Chị Lương Thị Yết trú tại thôn Long Tiến, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng vừa đưa cháu ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cấp cứu do bị rơi từ cây hồi xuống trong khi đang thu hoạch. Sau khi làm thủ tục, khám cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán nạn nhân bị chấn thương vùng lưng, tổn thương cột sống. Theo chị Yết, cháu chị trèo hồi bị ngã.
Tâm sự cùng người phụ nữ này, chị chưa hết bàng hoàng khi chứng kiến đứa cháu ngã từ trên cành cao xuống đất. Theo chị Yết, cũng may, dưới gốc cây cháu chị ngã là đất chứ nhiều vị trí cây hồi mọc sát vách núi hoặc dưới gốc cây có nhiều đá, nếu không may rơi từ trên ngọn cây xuống mà gặp những địa hình như thế, chắc chắn cháu chị còn bị nặng hơn. Khi chugns tôi hỏi: Tại sao không tìm cách khác hái quả an toàn hơn, như dùng thang, máy móc?, chị Yết cho biết: "không có cách nào khác, muốn hái được hồi, nhất định phải trèo cao. Cách đây 3 năm, chính chị Yết cũng đã từng có lần ngã, rơi từ trên cành hồi xuống đất, bị nứt xương sau lưng, đến bây giờ còn chưa khỏi.
Bà La Thị Thau, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan bị rơi từ trên cây. May mắn thoát chết nhưng bà Thau bị đa chấn thương. Ảnh: Sỹ Khánh.
Nhiều người bị tai nạn lao động do mưu sinh, nhưng cũng có những vụ tai nạn do chủ quan, như trường hợp bà La Thị Thau, xã Hòa Bình, huyện Văn Quan. Dù đã 80 tuổi, nhưng bà Thau vẫn đi trèo hái hồi. Tuổi cao, khi trèo lên cây, bà bị rơi. May mắn thoát chết nhưng bà bị đa chấn thương, phải nằm điều trị khá lâu. (Trong ảnh). Khi chúng tôi hỏi vì sao bà cao tuổi rồi còn mạo hiểm trèo cây để bị ngã thế này?, bà Thau thều thào: "Con, cháu tôi cũng bảo đi xem rừng thôi, nhưng thấy cây hồi thấp, lại có nhiều quả nên tôi trèo lên hái rồi ngã xuống".
Lạng Sơn hiện là nơi có diện tích và sản lượng cây hoa hồi lớn nhất cả nước. Chất lượng hoa hồi xứ Lạng không những nức tiếng trong nước mà còn được nhiều thị trường thế giới biết đến. Tính đến nay, tổng diện tích hoa hồi ở Lạng Sơn có khoảng 35.000 ha, phân bố ở hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, nhưng tập trung nhiều nhất tại các huyện: Văn Quan, Bình Gia, Chi Lăng, Cao Lộc… Để thu hoạch hồi, bà con thường trèo hái thủ công. Cây hồi cao từ 10 - 15m, cành giòn trong khi quả lại ở đầu cành, người trèo hái rất dễ ngã từ trên cao xuống. Chưa đầy một tháng qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn đã tiếp nhận trên 20 ca tai nạn do trèo hái hồi, trong đó 2 ca đã tử vong do đa chấn thương.
Theo Bác sĩ Vi Hồng Đức, Phó trưởng Khoa Thần kinh lồng ngực, bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, mùa hồi năm nay số lượng bệnh nhân so với năm ngoái nhập viện nhiều hơn, có những ngày lên đến 7 ca. Những tổn thương khi bị ngã cây thường thấy nhất là gãy cột sống, đặc biệt là chấn thương ngực gây những biến chứng tràn máu, tràn khí, dập ngực, dập phổi.
Hồi mùa này đang được giá. Trong ảnh: Một nông dân ở Cao Bằng phấn khởi khoe rổ hồi mới thu hoạch. Ảnh: Hoàng Thái
Hồi là loại nông sản mang lại thu nhập cao cho người dân miền núi Lạng Sơn. Tuy nhiên, sức khỏe và tính mạng vẫn là thứ quan trọng hơn cả. Trong quá trình thu hái, người dân cần hết sức cẩn trọng để đảm bảo an toàn cho bản thân.
Hiện nhiều gia đình ở Lạng Sơn đã mua sắm những dụng cụ hỗ trợ thu hái hồi như thang gấp, thang nâng, một số ít sử dụng máy thu hái hồi, vừa giúp tăng năng suất và giảm tai nạn./.
Sỹ Khánh/VOV Đông Bắc
Viết bình luận