Sẽ xây dựng hệ thống chính sách dân tộc đồng bộ
Thứ ba, 00:00, 30/07/2019 Hoàng Thái bt + 1 ảnh bản quyền HT Hoàng Thái bt + 1 ảnh bản quyền HT
VOV4.VN - Ngày 30/7, Hội đồng Dân tộc được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì Hội nghị tham vấn sáng kiến Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Đề án này do Quốc hội giao cho Chính phủ xây dựng trên trên cơ sở xem xét báo cáo đánh giá kết quả 3 năm việc thực hiện chính sách pháp luật hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi (2016-2018).

 

Hội nghị tham vấn sáng kiến xây dựng Đề án phát triển KT-XH vùng DTTS. Ảnh: Thanh Tâm. 

Đại diện các Bộ ngành, các địa phương, các đối tác phát triển, và các tổ chức phi chính phủ có nhiều kinh nghiệm trong triển khai dự án phát triển ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số đã thẳng thắn đề xuất, góp ý để xây dựng một hệ thống chính sách dân tộc khắc phục được tình trạng chồng chéo, manh mún, thiếu tính đột phá, chưa tạo ra nhiều cơ hội cho người nghèo, vùng nghèo phát triển. 

Theo ông Đào Xuân Tuế - phó vụ trưởng vụ Ngân sách, Bộ Tài chính, trước tiên phải là những đột phá trong thiết kế chính sách và tập trung đầu mối quản lý. "Bây giờ chúng ta tích hợp tất cả các chính sách thành chương trình mục tiêu quốc gia về dân tộc miền núi, xác định rõ phạm vi. Tất cả những chính sách đặc thù nhất cho miền núi, chúng ta gom về đây. Thành một chương trình rồi thì chúng ta sẽ phân bổ ngân sách có thể bố trí theo dòng niên như các chương trình mục tiêu quốc gia hiện nay là NTM và giảm nghèo"-Ông Tuế đề xuất.
Đồng tình với ý kiến này, Tiến sĩ Lê Ngọc Thắng - Viện trưởng Viện Dân tộc-Ủy Ban dân tộc cho biết, để điều hành, quản lý cho tốt, cần khắc phục việc còn nhiều đầu mối trong xây dựng và chỉ đạo thực hiện chính sách. Từ hơn 100 chính sách, Đề án thiết kế chia nhóm chính sách theo lĩnh vực, và có cơ chế chính sách đặc thù. Theo Tiến sĩ Lê Ngọc Thắng, Nghị định 05 của Thủ tướng có 13 chính sách, liên quan tới rất nhiều bộ ngành. Bộ ngành cũng ban hành chính sách, cũng tổ chức thực hiện, nhưng chúng ta thiếu một cơ quan tổng giám sát để điều phối, để tránh sự chồng chéo.

Cũng tại Hội nghị náy, "Người dân" là chủ thể và chính sách được thiết kế theo hướng từ dưới lên – nguyên tắc này thể hiện nhất quán trong Đề án. Theo ông Nguyễn Văn Lý - Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam,chính sách nên tạo ra những cơ hội lớn hơn cho người dân ở những vùng khó khăn.

"Tùy từng thôn bản, từng xã, từng vùng để có dự án đầu tư thích hợp. Hoặc là căn cứ theo mô hình của Bộ Nông nghiệp đang triển khai, hoặc OCOP chẳng hạn để xây dựng các dự án, đề án cho đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, phát triển kinh tế. Căn cứ vào dự án đó để bố trí vốn, có thể không phải là 100 triệu nữa, mà cần 150 hay 200 triệu cũng cung cấp đủ"-Ông Nguyễn Văn Lý nêu ý kiến.

Tính tới nay, Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025 đã nhận được ý kiến tham vấn của hơn 1 nghìn cá nhân và tổ chức. Dự kiến, sau khi hoàn thành, Đề án này sẽ được trình Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 tới./.

Thanh Tâm/VOV4

Hoàng Thái bt + 1 ảnh bản quyền HT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC