Buôn Jun làm du lịch
Thứ tư, 00:00, 25/01/2017

(VOV) - Tại Tây Nguyên, bằng vốn văn hóa, nếp sống và tập quán lao động sản xuất của mình, nhiều buôn làng đã tạo dựng được thương hiệu du lịch cộng đồng của riêng mình. Mời bạn tới buôn Jun thưởng thức vị cay nồng của rượu cần, say sưa trong vũ điệu cồng chiêng, cưỡi voi dạo chơi, du thuyền độc mộc quanh hồ Lắc và khám phá nét độc đáo của những ngôi nhà sàn.



 

Soi mình bên hồ Lắc thơ mộng, buôn Jun (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắc, tỉnh Đắc Lắc) mang vẻ đẹp nguyên sơ hiền hòa của buôn làng Tây Nguyên. Tại đây còn lưu giữ những ngôi nhà dài truyền thống mái lợp cỏ tranh vách thưng liếp nứa.

Ngôi nhà dài truyền thống của gia đình ông Y Du được trang trí rất nhiều vật dụng gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc bản địa như: cồng chiêng cổ, ché cổ, bình cổ, đàn tơ rưng, klong pút, cây nêu... Từ lâu, ngôi nhà này đã được dùng để tiếp đón du khách nghỉ lại qua đêm, thưởng thức các tiết mục văn hóa của dân tộc Mnông.


Du khách cưỡi voi đi trên hồ Lắc

 

Bà con dùng chính những đàn voi nhà, hoặc những chiếc thuyền độc mộc có từ thời cha ông để đưa du khách tham quan buôn, khám phá hồ Lắc. Anh Y Chung cho biết trước đây, chiếc thuyền độc mộc của gia đình chỉ để chở lúa, chở củi ở nương rẫy về.  Bây giờ, phần lớn thời gian trong năm, chiếc thuyền này đưa khách đi ngắm cảnh hồ.  


Những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu du khách muốn trải nghiệm cuộc sống với bà con, hình thức du lịch homestay nở rộ tại buôn Jun. Chỉ cần một ngôi nhà dài sạch sẽ, có công trình vệ sinh độc lập, khoảng chục cái nệm, chăn, màn là bà con có thể làm homestay. Chị H’Bem cho biết với mô hình du lịch homestay, mỗi tháng chị có thêm thu nhập 5-6 triệu đồng.

 

Du khách nhảy múa với bà con

 

Từ năm 2011, Hợp tác xã du lịch buôn Jun được thành lập. Các xã viên chỉ cần có một trong những cơ sở vật chất như nhà dài, voi, cồng chiêng hoặc thuyền độc mộc là có thể thành xã viên. HTX duy trì đội cồng chiêng 15 nghệ nhân, 8 nhà sàn, 15 con voi, 20 thuyền độc mộc phục vụ du khách thăm thú, nghỉ ngơi, thưởng thức văn hóa. Đa số các xã viên có đời sống tương đối ổn định.


Khi nhu cầu trải nghiệm thực tế văn hóa Tây Nguyên ngày càng tăng thì việc bà con dân tộc thiểu số ở các buôn làng đầu tư xây dựng các điểm  du lịch homestay được xem là một hướng đi mới, vừa cải thiện kinh tế gia đình, vừa góp phần bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

 

Nam Trang/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC