Chủ thể văn hóa trở thành hướng dẫn viên du lịch
Thứ sáu, 00:00, 12/08/2016 Hải Huyền bt ct     + 1 ảnh Hải Huyền bt ct + 1 ảnh

(VOV4) – Lần đầu tiên trong ngôi nhà chung tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, những chủ thể văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc đã trở thành những hướng dẫn viên, thuyết minh viên khi chính họ tự mình khoe bản sắc văn hóa dân tộc.

 

Vui vì được khoe… bản sắc

 

Trong ngôi nhà Khmer truyền thống tại làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, bà Lâm Thị Hương vận xà rông, đội mũ màu vàng, mặc áo thêu kim tuyến nhiều màu của nghệ sĩ múa rô băm, niềm nở giới thiệu văn hóa dân tộc mình. Dáng người đậm, nước da bánh mật, bà khoe: từ sáng đến giờ đã có 4 đoàn khách du lịch ghé thăm nhà Khmer.

 

“Mình được lên đây, mình rất là mừng được phát huy bản sắc văn hóa. Mình ráng phục vụ khách cho được, cho đẹp mắt, cho quý khách xem được thuận ý” – bà Hương cười tít mắt.

 

Sau khi giới thiệu một loạt những hiện vật trưng bày trong phòng, bà Hương đon đả mời khách chiêm ngưỡng điệu múa rô băm đặc sắc của người Khmer với trích đoạn “Nàng Xê đa”, do bà cùng 4 thành viên trong gia đình biểu diễn.

 

Vở kịch cần phải có 8 diễn viên và dàn nhạc diễn tấu riêng, nhưng dù chỉ có 5 người, họ vẫn hoàn thành xuất sắc trích đoạn khi từng người luân phiên đảm nhiệm nhiều vai trò. Bà Hương vừa diễn xong vai nhà vua, đã ngay lập tức vào vị trí đánh cồng chiêng của người cháu trai để người này ra diễn vai chú khỉ. Anh rể bà Hương, ông Huỳnh Tích vừa phăm phăm cầm dùi đánh trống lớn, dứt đoạn diễn tấu liền quăng dùi, đánh sang chiếc trống nhỏ mà chồng bà Hương vừa đứng dậy để múa vai chằn.

Lau vội mồ hôi trên trán, ông Tích rổn rảng: “Cũng mệt nhưng cái đó là ráng để cho làng. Giúp, phục vụ cho làng. Làng vui chớ, nói, trời ơi ông già chạy qua, chạy lại tiếp khách cho làng. Tôi hồi nhỏ đến giờ không biết Hà Nội là thế nào đâu. Nhưng làng đem lại, tôi cũng mang ơn làng. Vui lòng tôi nữa. Tôi muốn cho mọi người thấy bản sắc của người Khmer mình”.

 


Gia đình bà Hương đang biểu diễn điệu múa rô băm tại căn nhà Khmer ở Đồng Mô

 

Tự hào, hãnh diện khi tự mình khoe văn hóa của mình với du khách, đó không chỉ là cảm xúc của các nghệ nhân Khmer, mà còn là niềm vui của nhiều đồng bào các dân tộc khi tề tựu tại làng văn hóa. Bà Bùi Thị Ọn, 61 tuổi, xóm Bãi Trang 1, xã Đông Lai, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, bảo ngoài những sản phẩm có sẵn như quần áo, váy, các loại đồ chơi được làm từ thổ cẩm, nhà Mường còn mang cả khung cửi xuống làng để trình diễn cho du khách xem:

 

“Các bác mang khung dệt của mình đến đây để trình bày sản phẩm của mình, mình được giới thiệu cho khách, khách được biết đó là sản phẩm từ bàn tay mình làm ra từ trong khung cửi này. Đầy khách đến đây thử, cũng phải hướng dẫn cho khách cách dệt để khách biết được. Khách thấy hay, bảo lúc đầu nhìn tưởng là dễ. Hóa ra chẳng dễ đâu”.

 

Du khách Lê Đình Lập, Công ty Tư vấn sở hữu trí tuệ Trường Xuân, tỏ ra thích thú khi anh được tận mắt chứng kiến đôi bàn tay của nghệ nhân Mường kéo sợi, dệt vải để làm nên một tấm thổ cẩm:

 

“Mình đến, mình gặp, mình xem được, nhìn thấy người ta làm thế nào mình cảm thấy thích thú hơn. Bởi vì tìm các sản phẩm này rất dễ, không nhất thiết phải đến Làng Văn hóa. Mình có thể lên khu vực hồ Gươm cũng có thể tìm thấy được các sản phẩm này. Nhưng lên đây, mình có thể tìm thấy người ta, người ta làm những hoạt động gì. Mình thấy họ chuẩn bị các trò chơi, đi cà kheo, nhảy sạp, trồng chè, có thể là đi hái chè, các hoạt động mang tính trải nghiệm. Chính vì thế mình mới lên đây”.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban Quản lý khu các làng dân tộc, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, việc để bà con trở thành những hướng dẫn viên du lịch được triển khai gần 1 năm nay. Điều này nhằm mục đích tạo sự gần gũi trong cách tiếp cận văn hóa từ du khách và từ chính chủ thể văn hóa, đồng thời khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tiếp lửa gìn giữ bản sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

 

“Chúng tôi không kịch bản hóa, không cứng nhắc hóa hoạt động bà con trên này. Giới thiệu gì, tái hiện gì là do bà con bàn với chúng tôi và chúng tôi tôn trọng. Bà con thấy yêu nét văn hóa này của dân tộc mình, bà con muốn khoe bản sắc thì bà con sẽ giới thiệu cái đấy. Bà con cũng tự sắp xếp để giới thiệu với du khách. Chúng tôi mời bà con tham gia vào các lớp để các chuyên gia về giao tiếp, về du lịch trao đổi với bà con về cách trao đổi, ứng xử với du khách. Kể cả những lớp thuyết minh để bà con cũng có những kỹ năng cơ bản ban đầu trong việc giao tiếp, cố gắng tôn trọng nhất ngôn ngữ, phong tục, tập quán của bà con” – ông Sơn nói.

 

Đẩy mạnh du lịch trải nghiệm

 

Bên cạnh việc phối hợp với các địa phương, cộng đồng dân tộc tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch, Làng Văn hóa đã chú trọng tổ chức các hoạt động hàng ngày, cuối tuần, hàng tháng với các chuyên đề, chủ đề về văn hóa dân tộc các vùng miền. Các chủ đề như “Tháng 3 Tây Nguyên – Mùa con ong đi lấy mật”, “Chợ vùng cao”, “Ấn tượng mùa hè - Tìm về kí ức tuổi thơ”… đã góp phần tạo nên bức tranh phong phú về văn hóa, gắn với du lịch.

 

Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có 580 lượt người dân, nghệ nhân, già làng, trưởng bản của 33 cộng đồng dân tộc thiểu số tham dự các hoạt động định kỳ, thường xuyên tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Điều này đã tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc lượng khách du lịch đến Làng.

 

Theo thống kê của Ban Quản lý Làng, trong 6 tháng đầu năm 2016, Làng đã đón tiếp trên 300 nghìn lượt khách, đạt 100% kế hoạch đề ra và tăng 50 nghìn khách so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Đặc biệt, việc mời bà con về sinh sống theo kỳ hạn tại ngôi nhà chung cũng đã góp phần thổi cho làng thêm sức sống. Hiện đã có 6 cộng đồng dân tộc Khmer, Tày, Thái, Mường, Ê Đê , Khơ Mú về định cư tại đây, mỗi nghệ nhân được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng, tạo động lực để họ gắn bó với làng.

 

“Trong quá trình thí điểm, chúng tôi cũng tính toán để mời các nghệ nhân với nhiều lứa tuổi khác nhau. Chúng tôi muốn có già, có trẻ đan xen để chính là sự tiếp nối, truyền dạy”.

 

Dự kiến sắp tới, Làng sẽ triển khai nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm để đưa văn hóa của đồng bào các dân tộc đến gần với du khách hơn, như xây dựng sản phẩm du lịch “Một ngày ở bản buôn” theo hình thức homestay. Hàng tháng, cứ tuần đầu tiên của tháng, vào buổi tối thứ 7, Làng luân phiên mời các cộng đồng dân tộc đang sống tại đây làm buffet ẩm thực dân tộc, gọi là “Hội làng”.

 

 

 

 

Lâm Thanh/VOV4

 

Hải Huyền bt ct + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC