Đến Đồ Sơn thăm di tích chùa tháp Tường Long
Thứ ba, 12:06, 26/07/2022 HH HH
VOV4.VN – Cách trung tâm thành phố Hải Phòng khoảng 20km về hướng Đông – Nam, chùa tháp Tường Long nằm tại núi Ngọc Sơn, thuộc phường Ngọc Xuyên, Quận Đồ Sơn, Hải Phòng. Năm 2005, quần thể chùa tháp được công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia.

Theo các bản thuyết minh về chùa Tháp, tháp Tường Long được xây dựng từ thời Lý, thế kỷ 11 đời vua Thánh Tông (1054 - 1072) trên đỉnh cao nhất của ngọn Long Sơn – một trong chín ngọn núi trong hệ thống núi đồi của Đồ Sơn. 
Năm 1059, vua Lý Thánh Tông đặt tên tháp là Tường Long.

Tháp Tường Long sau khi hoàn thành nhìn từ xa

Sau cuộc khai quật diễn ra vào năm 1978 và năm 1998, các nhà khảo cổ học đã phát hiện tháp xây vuông, móng tháp mỗi chiều rộng 15m – chân tháp mỗi chiều 7,86m. Bề dày của tường là 2,5m, chiều cao 9 tầng (khoảng 42m). Cửa mở ra hướng tây, lòng tháp rỗng khoảng 9m2, thờ tượng phật A Di Đà.
Ngoài ra, những di vật như bệ tượng phật A Di Đà hình bát giác được chạm khắc tinh xảo bằng đá xanh nay chỉ còn 4 cạnh. Chân tảng cột chạm khắc hoa sen bằng đá xanh và đá sa thạch.
Tượng chim Anh Vũ bằng đất nung, tượng đầu rồng mũi dài miệng rộng bằng đất nung. Những hoạt tiết như hoa sen, hoa cúc dây, lá Bồ Đề được tạo hình đậm phong cách kiến trúc Chiêm Thành đặc trưng của thời Lý.
Những viên gạch bằng đất nung xây dựng móng tháp hiện còn nguyên vẹn với nhiều kích cỡ khác nhau. Trên gạch in rõ dòng chữ Hán: “Lý gia đệ tam đế Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo”.
Năm 1993, Phật tử và nhân dân trên địa bàn đã đóng góp công sức xây dựng một ngôi chùa nhỏ gồm 3 gian 3 trái bằng bê tông cốt thép bên cạnh nền tháp cũ để hương khói thờ Phật.
Đến năm 2007, quận Đồ Sơn đã phỏng dựng lại ngọn tháp. Sau 10 năm khởi công xây dựng, tòa tháp được khánh thành vào năm 2017, cao 9 tầng, vỏ tháp được xây dựng bằng gạch gốm, cách trang trí mang đặc trưng của thời Lý với các hoa văn, họa tiết rất tinh xảo và mềm mại. 
Đến nay, tháp Tường Long đã trở thành điểm đến tâm linh của đông đảo người dân trong và ngoài thành phố.

Theo ghi chép từ sách “Đại Việt sử lược”, vào năm Mậu Tuất 1058, vua Lý Thánh Tông sau khi ngự giá qua biển Ba Lộ đã dừng chân tại nơi đây xây tháp. Ngài nằm mộng thấy rồng vàng nên đã hạ lệnh đặt tên cho tháp là Tường Long (thấy rồng vàng hiện lên) để ghi nhớ điềm lành. Cận cảnh tháp Tường Long được phục dựng tại di tích chùa.

Khu trưng bày hố khảo cổ tại tháp Tường Long

Trưng bày ảnh về các mô hình trang trí thời Lý như: lá đề trang trí trên nóc mái, tượng chim uyên ương trang trí nóc mái và mô hình đất nung...

Trưng bày một số hiện vật tại tháp Tường Long

Một số cổ vật được trưng bày như gạch xây tháp Tường Long có chữu Hán "Lý gia đệ tam đế Thái Bình tú niên tạo"; mảnh ngói mũi hài; mảnh đầu rồng...

Trưng bày một số vật liệu sử dụng phục dựng tháp Tường Long

Một hạng mục của quần thể di tích chùa Tháp Tường Long

Vẻ đẹp của chùa tháp Tường Long

Thu Cúc/VOV4


HH

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC