Đi ăn lợn quay mùa lễ hội xứ Lạng
Thứ sáu, 00:00, 24/02/2017

(VOV) - Nếu có dịp trảy hội xứ Lạng mùa xuân này, bạn không nên bỏ qua món lợn quay nguyên con. Món ăn “thương hiệu” Lạng Sơn này không chỉ góp mặt trong bữa cơm thường ngày mà còn là lễ vật quan trọng trong các lễ hội đầu năm.

 

Lợn quay vốn là món ăn của người Tày, Nùng, nhưng bí quyết riêng của người dân xứ Lạng đã khiến món ăn ở đây trở nên nổi tiếng bậc nhất.

 

Lạng Sơn có hơn 300 lễ hội dân gian lớn nhỏ từ tháng Giêng đến tháng Tư âm lịch, hiếm có hội nào không có lợn quay trên mâm tế lễ hay bữa cỗ.


Lợn quay cả con được các gia đình tổ chức quay ngay tại nhà

 

Thậm chí, lễ hội Bắc Nga ở huyện Cao Lộc vào Rằm tháng Giêng còn được gọi là “lễ hội lợn quay”. Trên đường vào hội, sau những chiếc sạp lớn san sát, người bán hàng luôn tay cắt những tảng thịt có lớp da vàng ruộm. Hương thơm của thịt quay quyện với các loại gia vị nức cả một góc chợ. Người đi hội không thể không sà vào mua vài miếng, vừa thưởng thức vừa tận hưởng không khí hội hè.

Anh Chu Văn Túc, người dân tộc Tày, đã có hơn 15 năm làm nghề, tự nuôi lợn và tự tay quay thịt theo bí quyết của mình. Anh Túc hào hứng chia sẻ kinh nghiệm chọn lợn, khâu quan trọng để có món lợn quay Lạng Sơn chính hiệu:

 

“Tầm 35-40 kg là thịt được rồi, nó mới ngon. Còn to tầm tạ cũng quay được nhưng không ngon. Phải chọn loại lợn chân ngắn ngắn, nhỏ nhỏ mới ngon, chứ cái loại dài ngoằng không ăn thua đâu!”.

 

Lợn quay là lễ vật không thể thiếu trong các dịp lễ tết ở Lạng Sơn

 

Đến lễ hội đền Tả Phủ Kỳ Cùng từ ngày 22 - 27 tháng Giêng, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình chế biến món ăn “danh bất hư truyền”. Khắp TP Lạng Sơn, nhiều gia đình, tổ khu phố tổ chức quay lợn để dâng lên quan lớn Tuần Tranh. Trước cửa, trong sân nhà, những lò quay “dã chiến” được dựng lên. Các hội liên gia cắt cử hẳn những người có kinh nghiệm nhất chuyên trách quay lợn.

 

Chú Vi Thanh Phương, khu Dốc Đồn, cho biết, điều độc đáo nhất của món lợn quay Lạng Sơn chính là ở những gia vị tẩm ướp, đặc trưng nhất là lá mác mật rất phổ biến ở đây. Ăn mác mật có tác dụng bổ thần kinh, nhuận tràng, chống độc...

 

Đây không chỉ là một món ăn mà còn là một nét văn hóa đặc trưng xứ Lạng

 

Bì lợn trông giòn rụm là nhờ công đoạn đánh màu. Mật ong rừng không pha tạp hòa cùng nước phết đều lên da lợn, tạo nên màu nâu đỏ óng ánh đẹp mắt, khiến ai nhìn cũng muốn ứa nước miếng. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để đánh giá độ ngon của món thịt lợn quay khi đặt lên mâm son rước lễ.

Tới giờ đã định, hàng trăm mâm lợn quay được rước lên đền Tả Phủ cùng lễ vật hoa quả, vàng sớ,… tạo nên cảnh ấn tượng đặc trưng của lễ hội lớn nhất xứ Lạng. Sau khi tế lễ, những mâm lợn quay được bà con khu phố cùng liên hoan, mời khách. Trên mâm cỗ, từng đĩa xếp chặt những miếng thịt màu vàng nâu hấp dẫn. Nước chấm dùng với món này là trái mác mật, muối hoặc nước mắm ớt bỏ quả mác mật, tùy khẩu vị.

Chị Nguyễn Phương Hoa, một du khách tham dự hội, tấm tắc: “Lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức một món ăn ngon lạ như vậy. Thịt giòn, thơm mùi lá mắc mật. Đặc biệt là lớp bì vàng ươm hấp dẫn, ăn cùng với nước chấm rất hợp”.

Chủ nhà rót cho khách chén rượu Mẫu Sơn, mời những món ăn địa phương. Tan cuộc, khách ra về mà vẫn nhớ mãi hương vị món thịt lợn quay đậm đà, không chỉ là một món ẩm thực mà còn là nét văn hóa ấn tượng của người xứ Lạng ngày đầu xuân.

 



Trường Giang/VOV-Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC