Độc đáo chợ đá quý tiền tỷ "có một không hai" ở Việt Nam
Thứ ba, 14:58, 14/02/2023 Thừa Xuân/VOV Tây Bắc Thừa Xuân/VOV Tây Bắc
VOV4.VOV.VN - Miền đất Lục Yên, tỉnh Yên Bái được biết đến là một trong những thủ phủ đá quý lớn nhất Việt Nam. Nơi đây hiện vẫn duy trì "chợ đá quý", cùng hàng loạt cửa hàng kinh doanh, buôn bán đá quý và các sản phẩm từ đá quý để phục vụ nhu cầu của thị trường.

Đá Ruby (thường gọi là đá đỏ) có ở nhiều nơi trên thế giới; tuy nhiên, đá Ruby ở Châu Á nói chung và ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái nói riêng, lại được ưa chuộng hơn cả. Theo các chuyên gia, do đặc điểm về địa hình, địa chất tại đây tác động lên quá trình hình thành của đá khác với các châu lục còn lại, nên màu sắc và chất lượng đá tốt và đẹp hơn.

Ngoài đá Ruby, tại Lục Yên, qua thăm dò, khai thác, ngành chức năng cũng phát hiện hàng loạt loại đá quý, hiếm với giá trị kinh tế cao như: Sapphire, Spinel, Aquamarine… Trong đó, riêng đá Ruby tại đây có nhiều màu từ hồng nhạt, tía, nâu, cho đến đỏ sẫm, hồng đỏ… Tuy nhiên, màu đá đẹp nhất, đắt tiền nhất là màu đỏ huyết bồ câu (nghĩa là đỏ như máu của chim bồ câu).

Xét theo 10 bậc thang đo độ cứng, thì Ruby và Sapphire Lục Yên ở mức 9,0 - tức chỉ sau Kim Cương (độ cứng 10). Anh Nguyễn Xuân Vũ ở tỉnh Vĩnh Phúc - người đã có nhiều năm buôn bán đá quý và kinh doanh các sản phẩm làm từ đá quý cho biết: đá Lục Yên có bản sắc, chất đá riêng, đá rất là sáng, đẹp và các góc cạnh rất độc đáo, quý hiếm).

Theo các chuyên gia về đá thì Ruby Lục Yên có 3 loại là Ruby tinh thể, Ruby thịt và Ruby sao. Để xác định được giá trị của khối hoặc viên đá thì người mua, người chơi đá phải xem xét đến các loại tiêu chuẩn như màu sắc, hình khối, độ tinh khiết, điểm lỗi… Ruby được hình thành trong quá trình biến đổi địa chất phức tạp, hấp thụ được tinh hoa của đất trời, vì vậy, nó mang trong mình nguồn năng lượng và linh khí cao. Nhờ đó, Ruby thường được sử dụng làm vật may mắn trong phong thủy, đời sống...

Từ vẻ đẹp quyến rũ của mình, Ruby trở thành một trong những loại đá quý được ứng dụng làm trang sức nhiều nhất trên thế giới. Tùy vào màu sắc, độ trong của từng viên đá mà người ta sẽ thiết kế ra các loại trang sức riêng như: Nhẫn, dây chuyền, lắc tay, bông tai, đồng hồ… Đối với những loại đá Ruby chất lượng kém hơn (màu sắc, độ trong kém) thì được tận dụng làm các sản phẩm chế tác như tranh phong cảnh, chân dung, phong thủy... Đặc biệt, đá quý Lục Yên được đánh giá là đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của việc làm đồ trang sức lớn nhỏ khác nhau.

Hiện na, Hội đá quý Lục Yên có 270 hội viên với hàng trăm gian hàng bày bán tại chợ ở Thị trấn huyện và các cửa hàng trên địa bàn. Đá quý và các sản phẩm làm từ đá quý có giá trị từ vài trăm nghìn đến vài trăm triệu đồng thậm chí đến cả tỷ đồng, song vẫn được bày bán công khai ngay trên mặt bàn mà không cần đến biện pháp bảo vệ. Người mua cũng thoải mái lựa chọn, soi xét và điều đặc biệt là việc mua bán tại chợ đá quý diễn ra nhẹ nhàng, không ồn ào, không có to tiếng mắng chửi nhau...

Ông Trần Mạnh Tú, Chủ tịch hội đá quý Lục Yên cho biết, chúng tôi ra quy chế là kinh doanh trong chợ này chỉ có đá của Lục Yên, người nào vi phạm sẽ xử lý theo mức độ vi phạm. Giá trị của sản phẩm cũng rất đa dạng, có những viên đá từ vài chục nghìn đến mấy trăm triệu đồng bày bán theo tiêu chí người này bảo vệ cho người kia, nên vấn đề an toàn luôn tuyệt đối, kể cả đối với khách mua hàng cũng hoàn toàn yên tâm.

Năm 2022, sản phẩm tranh đá quý Lục Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó, đã khẳng định được hình ảnh, thương hiệu cho các sản phẩm tranh đá quý của huyện Lục Yên trên thị trường.

Tuy nhiên, dù chất lượng đá quý của Lục Yên rất tốt, nhưng do phát hiện chưa lâu, nên hiểu biết của thế giới về thị trường đá quý Lục Yên còn hạn chế. Ông Trần Công Lập, Chủ tịch Hội đá quý thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đá quý Việt Nam cho biết, đá quý Lục Yên được thế giới đánh giá tốt, màu sắc chuẩn, độ tinh khiết cao, là đá quý đầu tiên của Việt Nam được xuất ra nước ngoài.

Hiện nay, thị trường đá quý Lục Yên còn một số khó khăn, vướng mắc cần được chính quyền địa phương và các cấp, ngành tháo gỡ như: quản lý tốt nguồn tài nguyên; tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm; nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ làm tranh đá, điêu khắc đá quý... Bên cạnh đó, cần sửa đổi Nghị định 65 năm 1995 của Chính phủ về Quy chế quản lý các hoạt động trong lĩnh vực đá quý, bởi Nghị định này hiện không còn phù hợp với thực tế... Có như vậy, đá quý Lục Yên mới thực sự phát huy giá trị như nó vốn có./.

Một số hình ảnh chợ đá quý Lục Yên:

 

Thừa Xuân/VOV Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC