Độc đáo kiến trúc thánh đường Chăm ở Tây Ninh
Thứ tư, 00:00, 01/02/2017

(VOV) - Thánh đường được xem là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa, một công trình kiến trúc nghệ thuật rất độc đáo, với đường nét riêng mang đậm tính tôn giáo của dân tộc Chăm.

Tỉnh Tây Ninh có hơn 3.000 người Chăm đang sinh sống. Khác với đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, người Chăm ở tỉnh Tây Ninh theo đạo Hồi giáo (Islam). Thánh đường được xem là một trung tâm văn hóa của làng.

 

Trong khu vực cư trú của đồng bào Chăm ở tỉnh Tây Ninh, có rất nhiều Thánh đường, mà tiêu biểu nhất là Thánh đường Darul Naim ở phường I, thị xã Tây Ninh. Thánh đường, gọi theo tiếng Chăm là “Sang Mugik”.

 

Thánh đường Darul Naim  được xây dựng năm 1957, diện tích 100m2, ở giữa làng. Nó là sản phẩm của ý nguyện và sự đóng góp của cả Plây Chăm (làng Chăm). Thánh đường của người Chăm tôn trọng những quy định về kiến trúc cũng như cách bài trí bên trong của các thánh đường Hồi giáo trên thế giới.

 

Thánh đường của đồng bào Chăm ở Tây Ninh

 

Thánh đường xây theo hướng Đông - Tây. Bên trong có hậu tẩm là nơi chức sắc Imâm đứng hướng dẫn tín đồ làm lễ, có Minbar là nơi thầy Khotip giảng giáo lý. Bên góc thánh đường có tháp cao để chức sắc kêu gọi tín đồ đến hành lễ. Vì là nơi thường xuyên tập trung đông người đến cầu nguyện nên Thánh đường có rất nhiều cửa ra vào. Những chiếc cột trụ tròn được thiết kế to nhưng cân đối, đều đặn, tạo cảm giác thoáng đãng.

 

Hàng năm, tại Thánh đường diễn ra các lễ hội lớn như: lễ hành hương Ha Ji, lễ ăn chay Ramadan. Lễ Ramadan thường được gọi là “tháng ăn chay” hay “tháng nhịn ăn”. Vào dịp này, tín đồ Hồi giáo nhịn ăn, nhịn uống từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn. Tín đồ còn tổ chức Lễ sinh nhật của Mohamed (người sáng lập đạo Hồi), lễ cầu an, lễ tạ ơn, lễ đại xá…

 

Sau giờ hành lễ

 

Trong những dịp lễ lớn, đồng bào Chăm và cả đồng bào Kinh quanh vùng tề tựu về đây sinh hoạt rất đông vui.

 

Cách thành phố Tây Ninh khoảng 30 km, thánh đường Almu Barak ở xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên, được ông Haji Mohamad Yousof ở thành phố Hồ Chí Minh giúp xây dựng. Cổng chính có hình vòng cung, phía trên nóc tháp có hình bầu dục, dưới chân tháp có hình trăng lưỡi liềm và ngôi sao tượng trưng cho đạo Hồi.

 

Từ cửa chính của thánh đường trở ra hai bên, mỗi bên có hai vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m, bên trái và phải thánh đường mỗi bên cũng có 6 vòm hình vòng cung nhọn đầu, mỗi vòm cách nhau 2,4m.

 

Nhìn từ xa, thánh đường giống kiến trúc ở Arập. Bên trong, bên ngoài thánh đường chỉ có biểu tượng trăng lưỡi liềm và ngôi sao, không thờ bất cứ hình tượng thần thánh nào. Tín đồ đạo Hồi xem Allah là vị thượng đế cao nhất.

 

Thánh đường với những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo, họa tiết khá lạ mắt, có biểu tượng mặt trời và vầng trăng khuyết, cửa và nóc hình vòm, màu chủ đạo là xanh và trắng, được thiết kế theo dạng một tòa nhà rộng, có dãy hành lang dài hun hút, thẳng tắp. Thánh đường không chỉ là nơi người Hồi giáo cầu nguyện mà còn là nơi để bà con Chăm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

 

 



Sa Phi Gia/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC