Độc đáo phiên chợ rằm tháng 3 tại Minh Hóa
Thứ tư, 00:00, 12/04/2017

VOV4.VN - Rằm tháng ba hàng năm, du khách và người dân từ nhiều miền quê náo nức tìm về huyện Minh Hóa để hoà mình vào không khí tưng bừng của lễ hội và tham gia phiên chợ rằm duy nhất trong năm. Chợ rằm không đơn thuần để trao đổi hàng hóa mà là dịp tìm về những nét đẹp dân dã từ xa xưa của đồng bào Nguồn.

 

Người già kể lại, xưa có 3 anh em nhà nọ lên lèn ông Ngoi ở phía bắc thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa,Quảng Bình, tìm mật ong, nhưng đi lạc vào một hang động. Trong đó có nhiều tượng Bụt bằng đá. Họ vác mỗi người một tượng mang về. Đến dòng suối, họ dừng chân xuống tắm. Nhưng khi vác tượng lên thì không thể nào vác được, mãi mới đưa được một tượng về đến Hói Chàm và đặt ở đó. Từ đó đến nay, dòng suối này được gọi là thác Bụt.


 

Mật ong rừng không thể thiếu trong phiên chợ rằm tháng ba ở Minh Hóa

 

Hàng năm, cứ đến rằm tháng 3, người dân lại đến đây cúng Bụt cầu tự, cầu tài, cầu lộc và tham gia lễ hội rằm. Từ tờ mờ sáng ngày rằm tháng 3, đại diện các làng, xã đã đến thác Bụt dâng hương cầu cho mưa thuận gió hòa, xóm làng bình yên.

Sau khi cúng Bụt, người dân tìm về thị trấn Quy Đạt để tham gia chợ rằm - phiên chợ may mắn nhất trong năm của đồng bào Nguồn.

 

Sản vật của người dân Minh Hóa bày bán tại chợ rằm tháng ba

 

Theo bà Đinh Thị Luân, ở thị trấn Quy Đạt, vào ngày này ai cũng tranh thủ đến chợ rằm, nếu không xem như cả năm đó kém may mắn: "Đêm 14 là cả đêm và sáng 15, như chị đây là nằm lại cả đêm, chuyên môn đi bán rứa. Năm mô cũng đi bán đủ thứ ốc, bồi, chè, nước".

 

Phiên chợ rằm duy nhất trong năm, người dân khắp nơi đổ về mua sắm, vui chơi. Phiên chợ này bày bán các mặt hàng nông sản, hàng hóa của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Minh Hóa và nhiều món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Minh Hóa như ốc suối luộc, bồi ngô chấm mật ong rừng, khoai môn...

 

Một góc chợ rằm ở huyện Minh Hóa

 

Chị Đinh Thu Hương, ở xã Yên Hóa, cách thị trấn Quy Đạt 30km, cũng đến chợ rằm tháng 3 từ sớm: "Ai có cái chi bán cái đó, ai có hoa thì bán hoa, có rau thì bán rau, có bánh thì bán bánh, có ốc thì bán ốc. Rằm ở đây chủ yếu là bồi và ốc xào với ớt và sả, còn lại nước nôi phục vụ người đi chơi rằm".

 

Đêm trước diễn ra phiên chợ, thanh niên đổ về Quy Đạt mong muốn tìm được duyên mới tại phiên chợ duy nhất trong năm. Họ vui chơi suốt đêm, thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương, hát múa giao duyên dưới ánh trăng rằm. Nhiều người gọi chợ rằm tháng ba ở Quy Đạt là "chợ tình".

 

Ốc suối và bồi bắp được bày bán nhiều tại chợ rằm tháng ba

 

Ông Đinh Xuân Đình, Chủ tịch Hội di sản huyện Minh Hóa, cho biết: Đã là người dân Minh Hoá, dù đi đâu, ở đâu cũng không thể bỏ qua chợ rằm tháng ba, thà rằng đau ốm mà nằm/Không ai nỡ bỏ chợ rằm tháng ba:

 

"Chợ rằm tháng 3 ngày xưa thực chất là chợ giao lưu vật phẩm, giao lưu trai gái bằng các làn điệu cổ, chủ yếu là điệu hò thuốc. Có những cặp trai gái từ các xã  về gặp nhau chợ rằm xong rồi mà sau đó chưa về nhà. Chợ rằm này là nơi tìm hiểu để mà thành lứa, thành đôi nên người ta cũng thường gọi là chợ tình Quy Đạt".

 

Người dân bày bán các sản vật địa phương tại chợ rằm tháng ba

 

Bây giờ, hội rằm tháng 3, không chỉ có người dân ở Minh Hóa mà nhiều người từ Đồng Hới, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và du khách khắp nơi cũng tìm về hội rằm, mua bán hàng hóa thổ sản. Năm nay, huyện Minh Hóa tổ chức hội thi bắn nỏ, ném xoay, đi cà kheo, đánh bóng chuyền, và biểu diễn các làn điệu dân ca như: điệu hò thuốc, điệu đúm ví và điệu ru con...

 

Trải qua thời gian, chợ rằm tháng 3 ở Minh Hóa đã có sự thay đổi ít nhiều, nhưng vẫn giữ được nét đẹp người dân gìn giữ từ bao đời nay.

 

 

Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC