Khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng tại các làng Chăm
Thứ ba, 00:00, 29/11/2016

(VOV) - Tỉnh Ninh Thuận đang trình hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận hệ thống tháp Chăm và Lễ hội Ka-tê là Di sản Văn hóa vật thể và phi vật thể của nhân loại. Đây là cơ hội để người dân khai thác tiềm năng du lịch cộng đồng.



 

Ninh Thuận nổi tiếng với quần thể tháp Chăm và các làng nghề truyền thống như làng gốm Bàu Trúc, làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Người Chăm ở đây vẫn còn lưu giữ các lễ hội truyền thống. Trong đó nổi bật nhất là lễ hội Ka-tê diễn ra vào đầu tháng 7 Chăm lịch (khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 Dương lịch).

 

Tại các làng Chăm còn có vườn nho, vườn táo và nhiều trang trại dê, cừu. Các yếu tố này rất phù hợp để phát triển loại hình du lịch cộng đồng.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Văn Món, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng: "Ninh Thuận có có biển xanh, cát trắng rất là đẹp; có một nền văn hóa Chăm, một hệ thống di tích, mà hướng du lịch bây giờ là hướng du lịch văn hóa hay hướng vào du lịch cộng đồng. Nếu phân tích về tiềm năng du lịch cộng đồng thì Ninh Thuận là số một".  

 

Du khách nước ngoài trong ngày hội Katê

 

5 năm qua, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào Chăm Ninh Thuận đã được đầu tư, phát triển nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Thế nhưng để thực hiện được “3 cùng” (cùng làm, cùng ăn và cùng nghỉ với người dân) thì cần có sự nỗ lực từ nhiều phía, nhất là người dân.

 

Ông Dato Mirza Mohamad Taiyab, Tổng Giám đốc Cục xúc tiến du lịch Malaysia, chia sẻ, thứ nhất là vấn đề tiện nghi của du khách khi lưu trú tại nhà dân bản xứ, thứ hai là sự bất đồng về ngôn ngữ và cuối cùng là thức ăn có thể sẽ không hợp khẩu vị của một số du khách.

 

"Nhưng điều này lại trở thành một việc đáng ăn mừng bởi vì khi bạn vượt qua được khó khăn thì đó là lúc bạn đã gặt hái được thành công. Bất cứ chương trình du lịch cộng đồng nào cũng vậy, khi du khách mới đến lần đầu tiên, họ sẽ cảm thấy khó khăn, nhưng khi rời đi, họ cũng vượt qua được những khó khăn đó".

 

Ngày hội Katê ở Làng Chăm

 

Ngoài việc giải quyết những trở ngại trên thì người Chăm cũng cần chú trọng đến môi trường, nhất là đường làng ngõ xóm hiện vẫn còn rong rãi đàn bò đàn dê. Chính quyền địa phương cũng cần có những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các làng Chăm làm du lịch cộng đồng.

 

Theo PGS-TS Trương Văn Món: "Nhà nước nên hỗ trợ cho dân. Ví dụ làng gốm Bàu Trúc, ta chọn 20 hộ, lựa những nhà truyền thống cho sửa sang nhà vệ sinh, bếp ăn cho sạch và đẹp, đủ sức để tiếp khách. Khi đã tiếp khách được rồi thì cấp mã số thuế và thu thuế".

 

Không chỉ có tiềm năng du lịch cộng đồng tại các làng Chăm, mà Ninh Thuận còn có thể phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá tại Vườn quốc gia Phước Bình, đèo Ngoạn Mục, vịnh Vĩnh Hy… Du lịch sinh thái rất thu hút du khách ở đồi cát Nam Cương bao quanh những làng chài; Vườn quốc gia Núi Chúa với nhiều loài động, thực vật quý hiếm và rạn san hô đa dạng, đa sắc.

 

Trình diễn nghề dệt thổ cẩm Chăm trong ngày lễ Katê

 

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban Tiếp thị - Truyền thông Vietravel, nhận xét: "Chúng ta thiếu hẳn giới thiệu về tổng quan du lịch Ninh Thuận. Điều này cần phải làm ngay, làm nhanh. Và chúng tôi có thể phối hợp với Ninh Thuận dùng những trailer, phim ngắn về du lịch Ninh Thuận đưa đến người nước ngoài trong những chương trình đi hội chợ hằng năm của chúng tôi. Ngoài ra cần phải quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu du lịch Ninh Thuận là du lịch bền vững, du lịch xanh, thì chúng ta nên hướng đến ngành nông nghiệp xanh và sạch, kết hợp với nuôi trồng thủy hải sản".

 

Loại hình du lịch cộng đồng không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá các dân tộc mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Loại hình này đang phát triển mạnh ở một số tỉnh thành, nhất là khu vực phía Bắc như: Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái,… Nếu đầu tư đúng hướng cho loại hình du lịch cộng đồng,  các tổ chức và  người dân ở Ninh Thuận nói chung,  người Chăm nói riêng sẽ được hưởng lợi trong tương lai gần.

 

 

Thụy Sĩ/VOV-TP.HCM

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC