Khám phá Bản Phùng của người La Chí
Thứ ba, 00:00, 13/11/2018 Hải Huyền PS Hải Huyền PS


VOV4.VN - Bản Phùng là xã biên giới của huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Từ trung tâm thị trấn Vinh Quang men theo con đường nhỏ khoảng 31 cây số bạn sẽ đến trung tâm xã.


Dọc hai bên đường vào trung tâm xã, những thửa ruộng bậc thang chảy tràn như những con sóng vàng trên biển lúa. Mây thoắt ẩn, thoắt hiện giữa rừng thông.

 


Giữa "biển vàng no ấm", những nếp nhà người La Chí bình yên. Con người với thiên nhiên giao hòa - Điều làm nên sự khác biệt của ruộng bậc thang nơi Bản Phùng. Tháng 9/2012, ruộng bậc thang ở Bản Phùng cùng với diện tích ruộng bậc thang ở 5 xã: Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Nậm Ty, Thông Nguyên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia.

 

Bản Phùng có nhiều địa điểm để bạn có thể ngắm ruộng bậc thang và lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ. Bạn sẽ mê mẩn những thửa ruộng bậc thang hình trái tim tại điểm ngắm ở trung tâm xã. Bạn sẽ ngộp thở trước những thửa ruộng khổng lồ, xa ngút tầm mắt khi đón hoàng hôn tại Phủng Cá. Bạn sẽ sững sờ trước vẻ đẹp thơ mộng của những thửa ruộng được ví như đường cong tuyệt mỹ của người con gái nơi điểm ngắm Tô Meo...

 

Bên cạnh ruộng bậc thang, bạn cũng có thể khám phá hàng trăm ngôi mộ cổ là di tích văn hóa cấp tỉnh, nằm tại các xã Bản Phùng, Bản Máy. Những ngôi mộ này tương truyền chôn cất Hoàng Vần Thùng - ông tổ của người La Chí. Chúng tồn tại hàng trăm năm nay, nằm rải rác theo một đường vòng cung nơi sườn núi. Ngôi mộ nhỏ nhất có đường kính khoảng 2 - 3 m, Có mộ đường kính lên tới 20m. Chiều cao của mộ tầm 1 - 6m.

 


Người La Chí là cư dân sinh sống chủ yếu ở Bản Phùng. Họ vẫn mặc trang phục truyền thống trong ngày thường và những dịp lễ, Tết.

 

Phụ nữ La Chí vẫn giữ nghề trồng bông kéo sợi truyền thống

 

Các công đoạn se bông, kéo sợi để dệt vải được làm thuần thục

 


Thêu thùa, may vá vẫn được truyền nghề cho thế hệ con, cháu.

 


Đến bản Phùng, nếu may mắn bạn sẽ được tham dự những lễ hội, nghi thức văn hóa của người La Chí như Tết Khu Cù Tê, Lễ mở kho giống, lễ mừng cơm mới... thưởng thức nhiều đặc sản như vịt cổ cườm, cá chép ruộng, thắng cố ngựa và nhất là rượu hoẵng uống bằng sừng trâu.

 


Chợ của người La Chí rất đặc biệt. Đó là những nông sản họ trồng hoặc kiếm từ rừng, bày ngay vệ đường.

 


Cũng có thể đứng ôm hàng mời khách. Khách mua cũng được, không thì bắt chuyện làm quà. Họ luôn sởi lởi, nhiệt tình.

 


Đa dạng những sản vật từ rừng.

 

Lâm Thanh/VOV4

 

 

 

 

 

Hải Huyền PS

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC