Sự đa dạng sinh học
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Gia Lai, tiếp giáp tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định. Với diện tích khoảng 15.500 ha, khu vực có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa vùng đông và tây của dãy Trường Sơn nên hệ thống thực vật phong phú, có nhiều dòng thác đẹp hấp dẫn du khách.
Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng. Ảnh: tinhgialai.vn
Đây là điểm du lịch khám phá không dành cho những người yếu tim. Nếu muốn chinh phục, bắt buộc bạn phải có thổ địa hướng dẫn. Để đảm bảo an toàn cho cuộc hành trình, bạn cần liên hệ và làm thủ tục với Ban quản lý khu bảo tồn trước khi “thâm nhập” vào khu vực này.
Ông Trịnh Viết Ty, Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng cho biết: “Hiện nay khu bảo tồn chưa tự tổ chức được các tour tuyến du lịch. Khách muốn đi nên liên hệ với các công ty du lịch lữ hành, họ có trách nhiệm liên hệ với Ban quản lý khu bảo tồn thiên KCR, ban quản lý sẽ bố trí các dịch vụ liên quan”.
Bắt đầu chuyến hàng trình khám phá Kon Chư Răng từ doanh trại kiểm lâm, du khách di chuyển khoảng 6km bằng ô tô đến thác ba tầng tuyệt đẹp. Gọi là thác Ba tầng nhưng phần giữa ngọn thác này có tới 6 – 7 tầng nhỏ. Ở giữa các tầng thác có nhiều bãi đá rộng và bằng phẳng, bạn có thể ngồi nghỉ chân, ngắm dòng thác nước ào ào đổ xuống lòng hồ.
Tiếp tục chạy xe theo con đường mòn giữa rừng, xuống con dốc cuối cùng bạn sẽ đặt chân đến vùng đất xanh mướt và cảm nhận sự bình yên của trại bò. Nơi đây là một thảo nguyên bằng phẳng, rộng khoảng 3ha.
Nhưng có một điều đặc biệt là đi dọc trục đường vào thám hiểm khu bảo tồn, mùi thơm của cỏ cây hoa lá nơi đây sẽ đánh thức mọi giác quan của bạn. Theo thống kê của các chuyên gia sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng hiện có hàng trăm loài thực vật quý từ thảo mộc đến đại thụ, đặc biệt là 9 loài thực vật đặc hữu hẹp của Việt Nam gồm: Thích quả đỏ, du móc, song bột, hoa khế, trắc, xoay, giổi xanh và hai loại phong lan chỉ duy nhất mới tìm thấy ở vùng này là Lọng Hiệp và Hoàng Thảo vạch đỏ…
Đây cũng là nơi hiếm hoi còn nhiều loài động vật có tên trong sách đỏ như loài vượn má hung, voọc chà vá chân xám, mang Trường Sơn… được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về sự đa dạng sinh học. Nếu may mắn, bạn sẽ được chiêm ngưỡng những động vật quý hiếm này trong hệ động vật gần 400 loài sinh sống tại khu bảo tồn.
Thác K50. Ảnh: hoileonui.com
“Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng có sự đang dạng sinh học cao, được xếp loại A tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Hiện nay, ở Kon Chư Răng, các nhà khoa học đã ghi nhận được trên 800 loài thực vật và trên 400 loài động vật các loại. Trong đó, có rất nhiều loài thực vật đặc hữu, quý hiếm như họ nhà thông, kim giao, cây bách xanh, cây thông tre, cây gỗ xoay… gỗ đặc hữu của vùng, cây ze hương cũng nằm trong sách đỏ quốc tế”. – Ông Ty cho hay.
Thác Hang Én – Dải lụa trắng trên mây
Cùng với sự đa dạng về hệ sinh thái vùng nhiệt đới, Kon Chư Răng còn được thiên nhiên hào phóng ban tặng nhiều thắng cảnh hùng vĩ. Hệ thống thác nước tại đây được xếp vào bậc nhất quốc gia với 12 ngọn thác có độ cao trên 10m.
“Do điều kiện địa chất vùng này là nó chuyển tiếp giữa vùng Tây Nguyên, cao nguyên với vùng đồng bằng. Do địa chất vùng khá đặc biệt, nó nằm trên hệ đá mẹ tối cổ của những đá có thể đạt tới 2,5 tỷ năm. Do địa chất ổn định 2,5 tỷ năm cho nên, qua quá trình bào mòn, rửa trôi và sự chuyển tiếp giữa cao nguyên với đồng bằng nên nó tạo ra rất nhiều con thác hùng vĩ và đẹp”.
Trong 12 con thác ấy, thác Hang Én được nhiều phượt thủ lựa chọn. Từ xa, cách đó khoảng 1 cây số bạn đã có thể nghe thấy tiếng thác reo. Thác cao 54m. Từ trên ngọn thác, dòng nước trắng xóa đổ xuống như dải lụa vắt ngang bầu trời. Trong làn sương mù bao kín, ánh nắng rọi xuống tạo nên 7 sắc cầu vồng tuyệt đẹp dưới chân thác.
Tuy nhiên, cầu vồng xuất hiện chỉ có hai thời điểm: Từ 8 giờ đến 9 giờ sáng và 15h30 đến 16h chiều. Qua thời điểm đó, cầu vồng sẽ không còn nữa. Nếu bạn may mắn, sẽ bắt trọn khoảnh khắc cầu vồng hiện lên giữa dòng thác trắng.
“Tên thác K50 là ngày xưa đồng chí sư đoàn trưởng sư đoàn 332 quản lý khu vực này có cho nhân viên đi đo từ đỉnh thác đến mặt nước, cho đến chân thác là 54m. Đặt tên là thác 50. Còn tên thác K50 mới có vài năm nay do dân phượt đặt. Còn tên thác Hang Én là cái tên cách đây 2 năm BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng đã thống nhất với dân làng, chính quyền địa phương để đặt tên thác Hang Én. Cái tên nó gắn liền với truyền thuyết thác 50. Tên thác theo tiếng Ba na có tên là Tơ Kơi poóc jai. Tơ kơi là thác, poóc giai là thần chim én. Thế nên, tên thác Hang Én nó sát với gốc tên của người Ba na bản địa ở vùng này”.
Đứng trước con thác cao 54m, mọi vất vả, mệt nhọc của chuyến đi tan biến. Chỉ còn lại nỗi vui sướng cảm nhận hơi nước mát lạnh chảy xiết trước cửa hang. Dưới chân thác, những khối đá muôn hình muôn vẻ xếp chồng lên nhau tạo thành những bậc thang mờ ảo giữa dòng nước bạc.
“Hàng ngày cũng có hàng ngàn đôi chim én làm tổ và bay lượn ở khu vực đỉnh thác 50. Ngoài ra khu vực thác này cũng là nơi trú ngụ của hàng ngàn con dơi ăn quả, dơi các loại, làm tổ ở trong hàm ếch trong hang Én này. Về mùa khô, thác có thể tách ra thành 3 – 4 tầng cách nhau. Còn về nước lớn, 3 – 4 tầng đấy lại nhập lại một và chiều rộng của con thác có thể trải tới 80m. Đặc biệt, thác có nước chảy quanh năm. Từ cách xa đã nghe tiếng thác reo”.
Trekking xuyên khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng bạn nên cắm trại qua đêm tại đây. Vào những mùa khô, nắng ráo là thời điểm lý tưởng để ngắm sao trời và thưởng thức cái lạnh đặc trưng của cao nguyên.
Ngoài ra, bạn có thể giăng lưới bắt cá suối, nướng cơm quấn lá chuối, ăn rau rừng theo sự hướng dẫn của cán bộ ban quản lý khu bảo tồn. Chắc chắn bạn sẽ tràn đầy sinh lực và niềm hứng khởi khi trở về thành phố.
Đỗ Quyên/VOV4
Viết bình luận