Ngày ngắm đồng hoa nở rộ
Mùa nước nổi bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Khi ấy, Vườn Quốc gia tràm chim đẹp như một bức tranh. Trên trời, dưới nước mướt một màu xanh. Điểm tô cho màu áo ấy là những cánh đồng hoa sen, hoa súng, hoa tràm bung sắc.
Mùa súng bung nở Ảnh: gody.vn
Ngồi trên chiếc thuyền kéo lướt chầm chậm vào rừng tràm, đưa tay xuống dòng nước mát, bạn chạm vào thế giới của rong. Rong như suối tóc dài len lỏi qua những ngón tay, mơn man mùi ngai ngái của cây cỏ. Mùi sen thanh mát phả vào mũi.
Chỉ việc nhắm mắt hít căng lồng ngực, bạn cứ thế mà tận hưởng niềm khoan khoái, dễ chịu tỏa lan. Lúc ấy bạn chỉ muốn được nằm dài trên thuyền xuôi theo con nước, nghe nước vỗ và đắm mình trong hương đồng gió nội thỏa thích.
Lục bình mơn mởn những cánh tím; sen hồng, sen trắng rợp cả ven kênh; bông súng bung xòe như những ngọn đèn hoa đăng ai thả… Mỗi chặng, khung cảnh hiện ra trước mắt bạn mỗi khác.
Nếu là một người có tâm hồn ăn uống, khi đáp bờ chắc hẳn bạn sẽ thích thú với những món ăn chế biến từ những loài hoa bạn vừa thưởng ngoạn.
Mỗi một loài lại chế biến được cơ man món ăn khác nhau. Đều là món dân dã thường ngày của người dân Đồng Tháp. Mà chúng đâu có khó nấu. Gỏi ngó sen, ngó súng được biến tấu với nhiều nguyên liệu khác nhau như: tôm thịt, thịt gà, tai heo… trộn cùng gia vị, một chút chanh, thế là có món gỏi chua chua, thanh thanh, ngọt ngọt.
Cầu kỳ hơn nữa là món cá kho bông súng. Món ăn ấy đi cả vào ca dao tục ngữ, chỉ ngửi mùi thôi bạn đã tứa nước miếng rồi.
Mùa này cũng là mùa của điên điển vàng. Bông điên điển ngon nhất là làm gỏi tép, hoặc xào thịt bò, hoặc muối chua, hay đơn giản nấu canh chua. Hoặc để ăn sống. Bát cơm trắng có điên điển chấm với nước cá kho, ăn rồi lại muốn ăn nữa. Tốn cơm vô cùng!
Đêm đi gặp “lúa ma”
Thu hoạch lúa trời. Ảnh: thamhiemmekong.com
Vườn Quốc gia tràm chim có thảm thực vật phong phú với hơn 130 loài, 6 kiểu quần xã đặc trưng như: quần xã sen, “lúa ma”, năng, mồm mốc, cỏ ống và quần xã rừng tràm. Bạn đang tò mò về quần xã “lúa ma” phải không?!
Đấy là cách gọi vui của người dân Đồng Tháp bởi đặc tính của giống lúa này. “Lúa ma” mọc tự nhiên, hoang dã, không cần chăm sóc nên người dân còn gọi là “lúa trời”. Mùa mưa bắt đầu, lúa ma sinh sôi lẫn vào cây cỏ nên chẳng phân biệt được đâu là cỏ, đâu là lúa.
Đến tháng 8 nước dâng, “lúa ma” bỏ lại cỏ dại mà ngoi lên cứng cáp. Nước dâng đến đâu, lúa mọc tới đó, rồi vượt qua mặt nước để làm đòng, trổ bông. Tháng 11, nước rút. Một đời lúa cũng đi qua.
Nhưng cái cách thu hoạch lúa lại khiến người ta thấy càng lạ lùng hơn vì phải đi vào ban đêm. Chỉ cần thấy ánh sáng mặt trời lúa lại rụng xuống nước. Người dân không dùng liềm, dùng dao cắt lúa. Họ dùng cây để đập lúa rụng vào thuyền. Đập từ gà gáy cho đến khi mặt trời lấp ló trên những ngọn tràm.
Hiện ở Vườn Quốc gia tràm chim, “lúa ma” có khoảng 800ha, cho thu hoạch mỗi năm một vụ và là nguồn thức ăn tự nhiên của nhiều loài. Nó là loài thực vật được ghi vào sách đỏ Việt Nam.
Nếu ban đêm, bạn không đi gặt được lúa ma cùng với người dân Đồng Tháp, bạn cũng đừng tiếc nuối. Bởi trải nghiệm này cần thời gian bạn ở lại đây ít nhất một đêm. Thay vào đó, bạn có thể trở thành ngư dân đi đánh bắt nông sản vào ban ngày. Đi đặt lợp, bắt cá, mò cua, ốc rồi tự tay chế biến chúng. Ngồi hàn huyên tâm sự bằng ấm trà ướp với những cánh sen thì còn gì bằng.
Ngắm chim trời trong hương sen. Ảnh: saigontourist.net
Đi trong hương tràm
Nếu đến Vườn Quốc gia vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch, bạn sẽ được tận hưởng thêm điều đặc biệt nữa: đi trong hương tràm bát ngát.
Đây là thời điểm con nước rút dần. Cây tràm trưởng thành có thể ra hoa quanh năm. Nhưng nở rộ nhất vào cuối mùa nước nổi. Từng chùm bông tràm trắng xóa mọc túa ra từ thân tràm. Bạn cứ hình dung, với diện tích khoảng 3.000ha tràm, vườn tràm chim khi ấy đẹp nhường nào.
Bầu trời xanh biếc như có ai vẽ lên những thảm bông trắng xóa. Hương tràm tỏa bay, dẫn dụ ong, bướm. Bà con nơi đây tận dụng điều đó nên nuôi ong rừng tràm để lấy mật. Nếu một lần thưởng thức mật ong hoa tràm, bạn sẽ nhận ra điều khác biệt so với các vùng khác.
Thứ mật sóng sánh màu vàng óng, chua chua, ngọt dịu những tưởng chỉ làm thuốc, làm mỹ phẩm, hay tẩm ướp gia vị vẫn dùng. Vậy mà ở Đồng Tháp, người dân có nhiều món ăn bình dị với mật ong hoa tràm. Người miền Tây hay ăn mật ong với cơm nguội vào ban trưa. Ong non chấm với mật ong ăn rất đưa cơm.
Cái vui thú bạn có thể trải nghiệm dịp này là đến các khu nuôi ong của các hộ dân tập làm một nông dân, tìm hiểu hoạt động nuôi ong như chăm sóc, quay mật và thưởng thức các sản phẩm từ mật ong rừng.
Đặc sản lẩu cá linh bông điên điển của Đồng Tháp. Ảnh: www.yong.vn
Ngắm chim đẻ trứng
Nhưng khoái nhất là đi xem chim đẻ ở các bãi chim. Mùa nước nổi cũng là mùa chim làm tổ, sinh sản. Trước kia, chim trời về nhiều, tổ chim cứ san sát, to nhỏ trên cây. Chúng ríu rít đút mồi cho con, trò chuyện với nhau. Cả rừng chim lao xao khiến mọi giác quan trong bạn như được đánh thức.
Đến đây, bạn sẽ còn phải thán phục những “kiến trúc sư” tài ba bởi biệt tài xây tổ. Như loài chim dòng dọc hay còn gọi là ròng rọc. Tổ cứ lúc lỉu trên cây, trông như những chiếc túi hình chuông, bên hông phình ra, nối liền với cái ống tròn có miệng buông thõng xuống phía mặt đất làm cửa.
Phải mất công xé hàng nghìn sợi cỏ tranh, những nàng dòng dọc mái mới xây nên được chiếc tổ công phu như thế. Con trống làm tổ đơn giản hơn. Chúng sẽ hoàn thành tổ từ 8 - 10 ngày, rồi dẫn dụ con mái vào đó sống, sinh sản và nuôi con. Sau đó, con trống sẽ đi nơi khác làm tổ, dẫn dụ con mái khác. Cứ thế, chàng dòng dọc sẽ xây tổ cho đến khi nào kiệt sức mới thôi.
Còn nếu không được nhìn những chiếc tổ chim công phu như thế, mời bạn dừng chân tại bảo tàng trưng bày trứng chim và cá nước ngọt ở Vườn Quốc gia tràm chim. Bạn sẽ mặc sức khám phá các loại tổ và trứng chim cùng với 52 bể cá trưng bày các loại cá đã và đang hiện hữu tại rừng tràm như cá linh, cá ống, cá rìa, cá nàng hai…
Hy vọng mùa nước nổi năm nay, nước sẽ về để bạn chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy sức sống của Vườn Quốc gia tràm chim.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận