Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc – Địa chỉ về nguồn tại Đồng Tháp
Thứ tư, 14:06, 22/12/2021 HH BTCT + 2 ảnh HH BTCT + 2 ảnh
VOV4.VN - Tọa lạc tại đường Phạm hữu Lầu, phường 4, TP Cao Lãnh, Đồng Tháp, khu di tích là nơi an nghỉ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà nho yêu nước và là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi an nghỉ của thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khu vòm mộ

Di tích được xếp hạng cấp quốc gia ngày 9/4/1992. Công trình có diện tích hơn 9ha với các khu: vòm mộ, hồ sao, đền thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà trưng bày cuộc đời và sự nghiệp cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, mô hình nhà sàn Bác Hồ, một góc làng Hòa An xưa… Mục đích tưởng nhớ công lao to lớn của cụ đối với nhân dân Đồng Tháp và đất nước Việt Nam.
Dù tọa lạc nơi phố thị ồn ào, nhưng chỉ cần bước qua cánh cổng của khu di tích, bạn có thể cảm nhận được sự yên bình của khung cảnh nơi đây.
“Ngôi mộ của cụ ban đầu chỉ là ngôi mộ đất, sau đó được bà con xây lại bằng xi măng và sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tỉnh Đồng Tháp mới tiến hành xây dựng lại ngôi mộ của cụ. Mộ được tôn lên cao hơn so với ngày trước, nhưng hài cốt của cụ vẫn nằm sâu bên dưới. Khu di tích đều tổ chức lễ giỗ của cụ vào ngày 25 – 26 – 27/10 âm lịch hàng năm”. - Chị Lê Thị Ngọc, thuyết minh viên khu di tích Nguyễn Sinh Sắc cho biết.

Tại khu vòm mộ, hồ sao – nơi đặt thi hài cụ Sắc, mái vòm màu trắng vươn cao trên 10m, che chở cho ngôi mộ. Mái vòm làm giống như cánh hoa sen cách điệu, tượng trưng cho tỉnh Đồng Tháp. Đồng thời, giống như một bàn tay xòe ta, úp xuống ôm ấp ch chở cho ngôi mộ.

Mái che với 9 đường gân nối dài, đầu mỗi đường gân có một đầu rộng tượng trưng cho các tỉnh ĐBSCL.

Một góc làng Hòa An xưa

“Hồ sao xây dựng như ngôi sao 5 cánh, biểu tượng cho lá cờ tổ quốc Việt Nam. Ở giữa còn có cái đài sen trắng giương cao lên tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch và giản dị của cụ”. - Chị Ngọc thông tin.
Nhà trưng bày các di vật là nơi cung cấp nhiều tư liệu liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Tất cả được tái hiện theo từng chủ đề như quê hương, gia đình; những năm tháng khổ luyện thành tài; chốn quan trường; và tình cảm của cụ Sắc với nhân dân Hòa An và nhân dân Hòa An cùng cả nước đối với cụ qua những hiện vật, tranh, ảnh, mô hình...
Tình cảm người dân đất sen hồng
Đặc biệt, tại khu di tích này, đối diện với mộ phần của cụ Nguyễn Sinh Sắc, đi qua cây cầu xi măng, men theo hàng rào râm bụt là mô hình nhà sàn và ao cá Bác Hồ. 
Mô hình nhà sàn Bác Hồ được xây dựng theo nguyên mẫu ở Hà Nội, nhưng để phục vụ lâu dài cho việc tham quan của bà con nhân dân, tỉnh Đồng Tháp đã cho xây dựng bằng các loại gỗ như bên, giáng hương, căm xe…
“Khi Đồng Tháp xây dựng mô hình nhà sàn ở đây có mang hai ý nghĩa: Ý nghĩa thứ nhất là Đồng Tháp muốn mang hương hồn của Bác về sống bên cạnh phần mộ người cha kính yêu của mình. Ý nghĩa thứ hai là để tạo điều kiện cho những bà con ở miền nam không có dịp ra Hà Nội thăm nhà sàn chính thức của Bác ở ngoài ấy, khi bà con đến đây cũng có thể hình dung được Bác Hồ - một chủ tịch nước đã sống và làm việc như thế nào”.
Tham quan khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, du khách sẽ lạc vào một khung cảnh làng quê yên ả khi bước chân vào góc làng Hòa An xưa, nơi cụ Sắc từng gắn bó. Đi trên con đường làng, len lỏi qua những cây vú sữa, hàng dừa là những nếp nhà bát dần, nhà chữ đinh, nhà nọc ngựa… đều là những ngôi nhà truyền thống của làng Hòa An.
Thậm chí, ngôi nhà của ông Năm Giáo – nơi cụ Sắc đã từng sống ở những năm cuối đời; nhà của ông Cả Nhì cất cho cụ Sắc ở… đều được tái hiện rõ tại góc làng Hòa An xưa. 

Thu Cúc/VOV4

HH BTCT + 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC