Làng Văn hóa - Du lịch Đồng Mô đã hoạt động thường xuyên
Thứ tư, 00:00, 30/11/2016 Minh CT Minh CT

(VOV4) - Từ tháng 10/2015, Làng văn hóa đã tổ chức hoạt động thường xuyên. Các nhóm nghệ nhân dân tộc thiểu số luân phiên có mặt tại Làng.

 

Theo số liệu thống kê của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, từ tháng 10/2015 đến tháng 10/2016, có hơn 450 ngàn lượt kháchtới làng, tăng khoảng 200% so với bình quân hàng năm. Đó là thành công đầu tiên mà cách làm mới này đem lại.

 

Tổ chức hoạt động thường xuyên – hướng đi của Làng Văn hóa


5 năm đầu tiên, từ cuối năm 2010, hoạt động của Làng chỉ gồm 3 sự kiện lớn: Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc (dịp đầu năm mới), Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), tuần “Đại đoàn kết các dân tộc – Di sản văn hóa Việt Nam (tháng 11) và một số sự kiện đột xuất. Thời gian còn lại, khách du lịch đến Làng chỉ được tham quan các công trình kiến trúc, cảnh quan các khu làng. Đó là lí do khiến khách du lịch, các công ty lữ hành không mấy mặn mà với Làng văn hóa.

 

Trình diễn lễ hội Ka-tê truyền thống của người Chăm 

 

Trên cơ sở nghiên cứu văn hóa dân tộc, nhu cầu của du khách, Ban quản lý Làng đã xây dựng chương trình hoạt động cho các cộng đồng sinh sống tại Làng, có sự tham gia, góp ý của bà con.

 

Những ngày thường, du khách đến Làng có thể trải nghiệm phong tục tập quán ăn, ở, sinh hoạt của đồng bào, được đồng bào đón tiếp và giới thiệu về ngôi nhà truyền thống của dân tộc mình. Dịp cuối tuần, có thêm một số hoạt động điểm nhấn như: trình diễn dân ca, dân vũ, giới thiệu các trò chơi dân tộc đặc trưng, ẩm thực, trang phục.Mỗi tháng, Ban quản lý Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam còn tổ chức các sự kiện chuyên đề với hoạt động tái hiện các lễ hội dân gian đặc sắc.

 

Một năm qua, đến Làng, đặc biệt vào các sự kiện, có thể thấy cảnh những đoàn xe nối đuôi nhau vào Làng, khách tham quan hồ hởi giao lưu cùng đồng bào các dân tộc tại các không gian nhà truyền thống.

 

Hiện, Làng Văn hóa đang duy trì hoạt động hàng ngày của 7 cộng đồng dân tộc, như người Mường (Hòa Bình), người Dao (Ba Vì, Hà Nội), người Thái (Nghệ An), Tày (Thái Nguyên), người Khơ Mú (Điện Biên), người Ê Đê (Đắc Lắc), người Khmer (Sóc Trăng). Dự kiến, Làng sẽ tiếp tục phối hợp với Sở văn hóa các địa phương, bổ sung thêm 8 dân tộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên về phục vụ du khách trong năm 2017.

 

Tiền ít, nghệ nhân không muốn về Làng

 

Hiện tại, kinh phí hoạt động của Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước là chủ yếu. Nguồn thu từ bán vé vào cửa có, nhưng không đáng kể. Do đó, việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, kinh phí đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho bà con về sinh sống tại Làng còn hạn chế. Ngoài hỗ trợ đi lại, chữa bệnh, tổ chức lễ hội, luyện tập văn hóa văn nghệ… mỗi nghệ nhân chỉ được hỗ trợ thêm 1.500.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ bảo tồn, phát huy nghề truyền thống là 3.000.000 đồng/nhóm cộng đồng/tháng.

 

Nhiều lễ hội được tái hiện tại Làng văn hóa - Du lịch các dân tộc VN

 

Ông Quàng Văn Cá, nghệ nhân Khơ Mú ở Điện Biên, cho rằng với mức hỗ trợ ít ỏi như vậy, rất khó huy động, khuyến khích bà con gắn bó với Làng.

 

"Chúng tôi về đây gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất là đường xá xa xôi. Thứ 2 là vận động nghệ nhân về đây rất khó khăn. Người dân có ý kiến thế này. 1 triệu rưỡi/ tháng thì không mua được gì. Người ta đi làm thuê một tháng 5, 6 triệu, hoặc người ta ở nhà hái cà phê thì một ngày được 1 trăm rưỡi, 2 trăm. Những người biết văn hóa, biết chế tác nhạc cụ, người ta bảo là với mức đó người ta không thể ở được. Những người tài giỏi, hiểu biết, họ không đi. Họ bảo tối thiểu phải 3 triệu thì mới đi được, mới bảo tồn được, mới tuyên truyền được".

 

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Phó chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn về tài chính, Làng cần có sự thay đổi về phương thức hoạt động, chuyển từ đơn vị sự nghiệp sang đơn vị sự nghiệp có thu, tăng cường liên kết, liên doanh, vừa phải đảm bảo mục đích chính trị, vừa tăng cường kinh doanh dựa trên các sản phẩm du lịch"

 

"Bộ máy của làng phải thay đổi. Thay đổi thứ nhất về nhận thức là làm sao thu hút được nhiều khách và làm sao có nguồn thu cao.  Nếu chúng ta muốn liên kết thành công, một là ở làng, hai là cộng đồng các địa phương, ba là nhà tư vấn phải tư vấn ra tiền chứ không phải tư vấn chung chung đại khái. Và thứ tư là phải báo chí quảng cáo, cùng với đó nữa là kinh doanh du lịch. 5 yếu tố này mà vận hành được tốt thì làng sẽ tốt mà yếu tố này vận hành trục trặc thì rất khó đạt được mục tiêu. Và từ đó làng sẽ "đẻ" ra những phòng ban mới không phải như bây giờ".

 

Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng với mong muốn tái hiện một góc nhỏ văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước.

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Minh CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC