Lên cao nguyên đá đi chợ phiên Mèo Vạc
Thứ năm, 15:48, 14/12/2023 Hoàng Cường/VOV Đông Bắc Hoàng Cường/VOV Đông Bắc
VOV4.VOV.VN - Chợ phiên Mèo Vạc, ở Hà Giang họp vào sáng Chủ nhật hàng tuần. Từ sáng sớm, cả khu chợ đã rộn ràng tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới, tiếng gia súc, gia cầm vang lên. Một phiên chợ bao người mong ngóng được đến, không chỉ đến để mua sắm mà còn là dịp gặp gỡ hẹn hò, hàn huyên.

 

Chợ phiên Mèo Vạc họp mỗi tuần một lần thu hút đông người dân quanh vùng đến chợ. Đa phần người dân ở rất xa, nên từ 4 giờ sáng, các ngả đường đến chợ đã rộn ràng âm thanh của tiếng xe cộ đi lại, tiếng nói cười rúc rích theo nhịp bước chân người xuống chợ.

Anh Phạm Văn Đông (quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên lên Mèo Vạc dạy học) chia sẻ: Gắn bó với mảnh đất này nhiều năm nhưng mỗi tuần, đến phiên chợ vẫn thấy chộn rộn bởi chợ phiên không chỉ mua bán mà là dịp để bạn bè, người quen gặp gỡ, chuyện trò và nhấp chút rượu ngô bên bát thắng cố nóng hổi. 

"Đến với chợ phiên Mèo Vạc, tôi thấy có nhiều điều mới lạ so với những chợ ở dưới miền xuôi, phiên chợ rất đông, bà con họp chợ từ rất sớm. Từ 4-5 giờ người dân đã có mặt ở chợ. Nét độc đáo nhất tôi thấy là những mặt hàng bà con mang đến chợ đều cho vào quẩy tấu và những con vật như gà, lợn chẳng hạn thì bà con không cho vào lồng mà ôm theo người. Chính vì thế mà người ta còn gọi là lợn cắp nách". - Anh Phạm Văn Đông cho biết.

Lần đầu đến với chợ phiên Mèo Vạc, du khách phương xa nhìn cái gì cũng thấy mới, thấy lạ, thấy háo hức. Khu bán quần áo nổi bật với những bộ váy rực rỡ dành cho bà con người Mông. Trang phục của người Mông sặc sỡ nhất là chân váy, thường được làm bằng tay, rất cầu kỳ nên có khi cả năm mới xong được 1 chiếc. Nhưng váy bán ở chợ là hàng may công nghiệp, hợp túi tiền người dân nên mỗi phiên chợ, đây là sạp hàng thường rất đông khách. Anh Hoàng Văn Năm ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang cũng đã có vài lần đến với chợ phiên Mèo Vạc. Anh cho biết, đến chợ phiên Mèo Vạc thực sự cho du khách 1 góc nhìn về cuộc sống của đồng bào nơi đây và đến chợ thích nhất được ngắm những chàng trai, cô gái khoác trên mình bộ trang phục đẹp, đặc sắc của dân tộc mình. 

"Chợ phiên ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang như Mèo Vạc, Đồng Văn, Quản Bạ có nhiều nét tương đồng, bà con đến chợ ở đây hầu như là người dân tộc thiểu số và đa phần là bà con người Mông. Bà con mang những sản vật mình tự làm ra được đến chợ bán có đầy đủ trâu, bò, lợn, gà, các loại rau rừng... Điều tôi thấy ấn tượng nhất là đa phần bà con người Mông khi đi chợ đều mặc trang phục truyền thống của mình với những bộ váy áo nhiều hoa văn sặc sỡ trông rất đẹp mắt". - Anh Hoàng Văn Năm cho biết thêm.

Những hàng quán phía cổng chợ đa phần là hàng bán: bánh rán, bánh ngô. Bánh ở đây không nhiều loại, bánh rán do người Kinh làm và bán, còn đồng bào thì nướng bánh ngô ngay tại chỗ. Trong không khí lành lạnh đầu đông, những chiếc bánh dân dã, không đẹp về hình thức nhưng cũng đủ sức hấp dẫn.

Gần trưa, khu vực bán đồ ăn đông đúc hơn. Câu chuyện quanh bàn ăn cũng thường chỉ xoanh quanh cuộc sống hàng ngày như ruộng nương, con cái...  

Anh Phạm Tuấn Linh, chủ một cơ sở lưu trú du lịch tại thị trấn Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang chia sẻ: "Chợ phiên Mèo Vạc là phiên chợ lớn nhất của đồng bào Mông ở bốn huyện vùng cao nguyên đá Hà Giang. Khi đến với chợ phiên Mèo Vạc chúng ta sẽ cảm thấy choáng ngợp bản sắc văn hóa đồng bào Mông. Ẩm thực đặc sắc của đồng bào Mông nơi đây như: canh tẩu chúa, xôi ngũ sắc, mèn mén, thắng cố... vẫn còn nguyên bản sắc của đồng bào nơi đây. Khách du lịch từ khắp nơi đổ về, ngay cả những người dân địa phương cũng tìm đến chơi chợ phiên".

Cũng là một phần hấp dẫn người dân đến với chợ phiên Mèo Vạc là để thưởng thức ẩm thực ngay tại đây. Cả gia đình quây quần bên chiếc bàn, bát thắng cố nghi ngút khói. Hình ảnh những đôi vợ chồng cùng nhau nâng chén rượu, húp bát thắng cố và nở nụ cười mãn nguyện hạnh phúc nhìn nhau. Hòa mình vào chợ phiên Mèo Vạc chẳng cần biết có quen hay không, mua bán, đổi chác xong xuôi thì cùng nhau uống chén rượu ngô, thế là thành bạn... Đó là điều tuyệt vời nhất và có lẽ cũng là điều hấp dẫn nhất khi đến với phiên chợ nơi vùng cao nguyên đá Hà Giang./.

Hoàng Cường/VOV Đông Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC