Tết trung thu của người Tày - Nùng xứ Lạng
Thứ tư, 00:00, 14/09/2016 Lý Viết Trường CTV Lý Viết Trường CTV

(VOV4) - Cứ đến tháng 8 âm lịch những đứa trẻ bản Nà Lẹng lại háo hức chuẩn bị đón tết fjét ngò slíp hả - tết Trung thu, cái tết mà lũ trẻ được người lớn mua cho chiếc fjỉnh – bánh trung thu và đèn ông sao.

 

Trước tết vài hôm, cả bản đã háo hức. Từ sáng sớm ngày fjét ngò slíp nhỉ - ngày 12 tháng 8 âm lịch, cả bản Nà Lẹng rộn lên gọi nhau đi háng Khau Lừ (chợ Kỳ Lừa) để mua bánh trung thu và hát sli. Nam thanh nữ tú gọi nhau đi chợ hát sli để tìm người yêu; các bậc trung niên tìm đến chợ để hát sli với bạn tồng, những người yêu không bao giờ cưới; những cụ ông cụ bà đến chợ để nghe hát sli, nhớ một thời trẻ trung. Chợ fjét ngò slíp nhỉ đã vượt ra khỏi không gian mua bán, trở thành không gian văn hóa, nơi giao lưu tình cảm, nơi để người tìm thấy nhau.

 

Trước tết ít lâu, người ta đã mang phụ - kỳ lằn – sư tử ra tập múa, những chàng trai khỏe mạnh biểu diễn những đường võ thuật, con sư tử lúc nhẹ nhàng uyển chuyển, lúc vươn mình mạnh mẽ chồm lên không trung theo tiếng trống, chong nào, chũm chọa, thanh la… Những người múa sư tử giỏi thường được bản làng kiềng nể, những chàng trai múa sư tử giỏi thường được các cô gái ngưỡng mộ.

 

 

Múa sư tử trong ngày Tết . Ảnh: baomoi.com

 

Những đêm sli trước và sau tết Trung thu cứ dìu dặt khắp các bản làng xứ Lạng. Có những canh hát kéo dài 3 ngày 3 đêm. Ông tôi vẫn thường ví von “hừn bịnh hì, hừn sli tẻn” (đêm bạnh dài, đêm sli ngắn) để nói về sức hấp dẫn của những đêm sli. Từ những cuộc hát sli như thế, không ít trai gái đã quen nhau, yêu nhau. Để rồi, mùa cưới chính thức bắt đầu, mùa cưới kéo dài đến hết mùa xuân.

 

Trước đây, cứ vào dịp tết Trung thu, nhà ai cũng đều cố gắng làm fjỉnh/bánh nướng, làm fjẻng tể/bánh tẻ, để thờ cúng tổ tiên và để ăn. Những cái bánh vàng ươm thơm phức mới thật cuốn hút lũ trẻ con làm sao. Đêm Trung thu, đứa nào cũng cầm theo chiếc bánh đi khắp bản để chơi trăng. Tối Trung thu, người ta múa sư tử khắp bản, đoàn sư tử đi đến đâu lũ trẻ con chạy theo tới đó, chúng háo hức vì sư tử đi vào từng nhà để chúc tết, sau khi chúc, đoàn sư tử sẽ được chủ nhà mừng bánh kẹo, hoa quả.

 

Sư tử đi đến đâu vận may sẽ về đến đó.  Ảnh: baomoi.com

 

Người Tày, Nùng xứ Lạng quan niệm sư tử đi đến đâu vận may sẽ về đến đó, vì thế ai cũng mời cho bằng được sư tử vào nhà để múa chúc mừng. Trước đây cùng với tiếng trống, tiếng chũm chọe, thanh la… là tiếng nổ đì đùng của pháo tép, nay do cấm bắn pháo nên xuất hiện những tiếng lép bép của hạt bưởi phơi khô. Đoàn sư tử bao giờ cũng có sư tử mẹ và sư tử con, sư tử mẹ do người lớn múa, sư tử con do trẻ con múa, cùng với sư tử còn có báo đông, nả lình… Múa sư tử là một nét đẹp văn hóa của người dân xứ Lạng, của sự nối truyền giữa các thế hệ, là nét màu đặc sắc góp phần tô điểm thêm vẻ đẹp cho bức tranh văn hóa xứ Lạng.

 

Tết Trung thu còn là dịp người Tày, Nùng ngồi với nhau quanh mâm cơm cộng cảm. Fjia cái/gỏi cá là món ăn đặc trưng trong tết Trung thu. Người ta bắt những con cá chép, cá trắm to đem về tách xương, thái nhỏ từng miếng, phá giấm với gia vị trộn cá. Món fjia cái thơm phức được người Tày, Nùng thưởng thức với người thân, họ hàng, với bà con hàng xóm. Qua những bữa cơm cộng cảm này, tình bản nghĩa làng, tình họ hàng ruột thịt càng có cơ hội được thắt chặt.

 

Mấy năm trở lại đây, nên đời sống văn hóa có nhiều biến đổi đáng kể. Đêm Trung thu, cùng với những trò chơi dân gian như múa sư tử, hất fjớt, tò fjạy, trẻ con cũng chơi những trò hiện đại như rước đèn ông sao, nhảy dây… Thanh niên, ngoài hát những làn điệu dân ca như sli, lượn, then, còn hát những bài hát theo làn điệu mới, những ca khúc mang hơi thở hiện đại, mang dáng dấp của quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa.

 

Trải qua thời gian, người trẻ lớn lên, người lớn già đi, nhưng những giá trị văn hóa đặc sắc vẫn được người dân lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Sinh thời, ông tôi vẫn thường nói những giá trị văn hóa đặc sắc phù hợp với đời sống của người dân sẽ được người dân lưu giữ, còn những gì không còn phù hợp với thời đại ắt sẽ tự biến mất.

 

 

 Xứ Lạng, mùa Thu

Lý Viết Trường

 

Lý Viết Trường CTV

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC