(VOV) - Ở xã vùng cao biên giới Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, có một loại lúa nếp nương được đồng bào các dân tộc ở đây rất quý, gọi là nếp Khánh Hạc. Nếp Khánh Hạc giờ đã được bán ra thị trường.
Giống lúa nếp Khánh Hạc được người Lóng Sập, chủ yếu là đồng bào Thái, trồng từ lâu.
Khánh Hạc, tiếng địa phương có nghĩa là “gãy chân”. Truyền thuyết rằng: Ngày xưa đất đai màu mỡ, có vợ chồng người nông dân trồng nếp nương. Năm đó mưa thuận gió hoà, lúa tốt tươi nên thu hoạch mãi không hết, đến nỗi người chồng bị gãy chân. Từ đó, người ta đặt tên cho giống lúa này là Khánh Hạc.
Cánh đồng lúa nếp. Ảnh: baomoi.com
Lúa Khánh hạc dễ trồng, dễ chăm sóc, ít bị sâu bệnh. Hạt gạo tròn, rất dẻo, thơm. Khi gieo, bà con chọn ngày tốt, người gieo khéo tay rải đều. Phân bón cũng vừa phải vì nếu bón nhiều phân quá thì lúa chỉ tốt cây mà không ra bông.
Bà Vì Thị Huệ cho biết: “Giống lúa Khánh Hạc chăm sóc đơn giản. Người ta chỉ gieo, làm cỏ và bón lót lúc gieo. Cây lúa Khánh Hạc ít bị sâu bệnh, bà con chuộng”.
Thấy nhiều người chuộng loại gạo nếp Khánh Hạc, nhiều gia đình, trong đó có các hộ đồng bào Mông ở bản Phiêng Cài, xã Lóng Sập, đã trồng giống lúa này để bán. Gia đình ông Tráng A Cợ năm nào cũng trồng từ 4-5 nghìn m2 lúa Khánh Hạc. Năm 2016, gia đình ông thu khoảng 1,5 tấn lúa nếp Khánh Hạc, đã bán 1 tấn, được 12 triệu đồng. Còn lại, gia đình ông đế làm bánh dày, gói bánh chưng tết.
Cùng với nếp tan Mường Chanh (Mai Sơn), nếp tan Ngọc Chiến (Mường La), nếp tan Mường Và (Sông Mã)..., nếp Khánh Hạc cũng là một loại đặc sản cần được gìn giữ.
Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận